Cha mẹ có ảnh hưởng đến nhân cách của con cái
Các cụ ngày xưa thường lập chí để con cái noi theo, coi cái chí của mình là tài sản văn hoá của con cái.
Ngày 14/4/2009
Gửi mẹ cái Mùa…
Bỗng dưng nhớ mấy đứa Mùa, Màng, Bội, Thu nhà mình quá, mẹ nó à! Không biết vắng tôi, mẹ nó có còn thường tâm tình với các con? Chúng nó lớn cả rồi, chắc cũng khó. Tôi biết vậy, nhưng mà hôm nay đọc được một cái tin trên báo, bỗng thấy hình ảnh cha mẹ thật là có ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách của con cái.
Mẹ cái Mùa chắc khó tin chuyện này! Hôm rồi, ở Phú Yên có thằng cha say rượu xông vào một ngôi trường, nơi cậu con trai của hắn đang học lớp 1. Trước sự chứng kiến của đám trẻ, hắn xúi cậu con trai xông vào đấm đá các bạn học, rồi tự hắn cũng tham gia đấm đá lũ trẻ con. Chuyện thế cũng đủ quái đản rồi, nhưng chưa hết. Khi bị công an xã đưa ra trụ sở lập biên bản, gã này lại tiếp tục xúi con mình đánh một cậu bé khác trước mặt cả công an rồi vênh mặt thách thức “có thấy thương tích không?”. Chịu thật!
Sáng. Tôi đọc cái tin này cùng với bác giáo Bình. Hai anh em cả kinh, thấy tâm can chấn động mà không biết gọi tên cảm giác ấy là gì. Bác giáo Bình, như thường lệ, nhớ chuyện cổ nhân. Bác ấy bảo: “Các cụ ngày xưa thường lập chí để con cái noi theo, coi cái chí của mình là tài sản văn hoá của con cái. Thằng bé lớp 1 ấy mà mang cái “chí” côn đồ của cha, lớn lên không biết sẽ thế nào?” – Nghe khẩu khí ấy, tôi biết điều khiến bác giáo chấn động là nguy cơ tập nhiễm bạo lực của con trẻ. Có lẽ bác ấy quá ấn tượng với những vụ bạo lực trong xã hội gần đây.
Tôi không cảm thấy chấn động vì điều đó. Nhưng cái ý lập chí cho con mà bác ấy gợi ra lại khiến tôi suy nghĩ. Gã phụ huynh côn đồ ấy đúng là đã làm một việc thật phi nhân. Nhưng gã ta vốn dĩ là một kẻ thất phu không ý thức nhiều về việc làm của mình. Điều này, chẳng trách gã. Nhiều người đức cao vọng trọng hẳn hoi, đi họp về vẫn mở phong bì trước mặt con cái, buổi tối tiếp khách ở nhà, người ta đến cầu cạnh, vẫn nhận quà trước mặt trẻ con mà chẳng biết ngượng ngùng… Như thế, họ có sợ ảnh hưởng đến nhân cách của con trẻ hay không?
Mẹ nó à. Một người cha để lại gì cho con cái của mình? Tài sản ư? Nào phải ai cũng có. Hình bóng của người cha trong ký ức của con cái có thể đậm hay nhạt chính là ở cái chí hướng mà ông ta muốn truyền lại cho con cái. Nghĩ đến điều này, tôi cảm thấy mọi sự bỗng mơ hồ bởi giờ đây hình như người ta ít lập chí cho riêng mình thì lấy gì mà để lại. Như tôi đây, cái chí lớn nhất là kiếm được chút vốn rồi về làng làm gì đó trên đất cát của cha ông. Tự tôi cũng thấy điều đó thật mông lung, làm sao con cái nó thấm nhuần.
Bác giáo Bình cũng vậy. Xưa kia, bác ấy mơ trở thành người thầy để truyền đạt cho lớp trẻ niềm tự hào về lịch sử dân tộc. Cuối đời, vì sợ thằng con trai nản chí bỏ học mà phải bỏ trường ra Hà Nội làm xe ôm. Cuối cùng, cái chí nhỏ át cái chí to. Thằng con của bác giáo, sau lưng bố cứ nói với bạn bè: “Ông già tao ấy à, giáo làng bất đắc chí!” – Nghe thật buồn mẹ nó nhỉ! Bọn trẻ nhà mình không biết có dám khoe bố chúng làm xe ôm?./.