Chữa nghiện games bằng điện giật?
Nghe đài, thấy chuyện ở Trung Quốc có ông bác sĩ chữa bệnh nghiện chơi games cho trẻ con bằng liệu pháp giật điện, thấy kinh. Có nhất thiết phải chữa bệnh bằng thứ phương pháp tàn khốc đến vậy không?
Hà Nội, ngày 2/6/2009
Gửi mẹ cái Mùa.
Tôi chắc mẹ nó vẫn còn nhớ cái lần cuối cùng tôi bị điện giật! Làm sao mà quên được cơ chứ, dẫu cũng đã hơn hai chục năm rồi. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy cái cảm giác đau đớn, tái tê khi dòng điện chạy qua thân thể. Nhưng, nhớ nhất vẫn là việc ông trưởng trạm y tế xã bảo rằng “điện giật có thể làm mất một lứa đẻ.” - Hai vợ chồng hồi đó lo sốt vó, vì lúc ấy đã có thằng Bội đâu…
Mẹ nó đừng mắng tôi là cả nỡm. Chẳng phải vì xa nhà, hứng tình mà tôi nhắc chuyện này. Bất quá hôm nay nghe đài, thấy chuyện ở Trung Quốc có ông bác sĩ chữa bệnh nghiện chơi games cho trẻ con bằng liệu pháp giật điện, thấy kinh. Là người từng suýt chết vì điện giật, tôi công nhận là sợ, từ hồi đó đến giờ, ngay cái bóng đèn tôi còn chẳng dám thay. Bởi vậy, những đứa trẻ nghiện chơi games, bị cho uống thuốc an thần rồi dí điện, chắc còn lâu mới dám chạm tay vào máy tính.
Nhưng mà, hết nghiện games rồi thì sao? Có nhất thiết phải chữa bệnh bằng thứ phương pháp tàn khốc đến vậy không? Phương pháp chữa bệnh bằng sốc điện, theo lời bác giáo Bình, xưa nay người ta chỉ áp dụng với bệnh nhân tâm thần nặng.
Tôi không biết bị điện giật thì ảnh hưởng ra sao, tuy nhiên, khiến người ta bỏ được một thói quen, dĩ nhiên phải là cái gì đó rất đáng sợ. Trẻ con nghiện games, bố mẹ đánh không sợ, trộm cắp để lấy tiền chơi games cũng không từ, thậm chí làm gái cũng xong… Thế mà bỏ games vì điện giật, quả là đáng sợ thật. Vì vậy, theo tôi dứt khoát chẳng nên dùng liệu pháp điện giật đối với con trẻ.
Bác giáo Bình nghe tôi nói thế, bảo: “Chú lo bò trắng răng, gì thì gì người ta cũng phải nghiên cứu chán chê mới áp dụng, ai lại nghe nói thế đã vội mang con mình đi thử đâu mà lo.” - Về lý thuyết thì bác Bình nói đúng rồi. Nhưng mà là nhà giáo thì bác ấy phải biết hơn tôi chứ. Cái ngành giáo dục của bác ấy, bao năm rồi cứ đổi mới lên, cải cách xuống, bao nhiêu thế hệ học trò phải làm vật thí nghiệm cho các chương trình sách giáo khoa, hỏi rằng có cần đợi nghiên cứu, với thực nghiệm hay không? Dân mình hay a dua, mấy hôm trước tôi còn nghe chuyện mấy đứa trẻ tiểu học làm trò người lớn với nhau, rồi có tờ báo kết luận đó cũng là một sự a dua.
Nhớ lại ngày xưa, có dạo dân tình đua nhau uống nước tiểu của mình để chữa bệnh. Nông dân ấu trĩ đã đành, cả viên chức, kỹ sư, cả mấy ông nhà văn đọc nhiều hiểu rộng còn uống chỉ vì nghe rỉ tai rằng chữa bách bệnh. Thế không là a dua còn gì?
Chả biết mẹ nó có còn nhớ hồi tôi bị điện giật thế nào, chứ tôi chẳng bao giờ dám quên. Cả tháng trời, ai lại thần hồn như một đứa dở hơi, nhớ nhớ, quên quên chẳng ra người. Hồi ấy, mỗi đêm mẹ nó kiểm tra sống lưng tôi ướt sũng, chỉ sợ nghe mẹ nó thở dài… Thật may, mẹ cái Mùa hồi đấy đúng là gái một con, mặn mòi, nồng ấm… nói thật, bị giật thế chứ giật nữa thì tôi cũng vẫn ngon!./.