Chuyện cây cầu
Tối qua bỗng dưng bác giáo Bình giận cá chém thớt, cau có cầm tờ báo sang trút nỗi buồn vào tôi. Ngó bài báo tôi mới thấy thông cảm với bác giáo vốn hay động lòng trắc ẩn, nhất là khi chạm tới bọn trẻ...
Hà Nội ngày 25/5/2010
Gửi mẹ cái Mùa.
Tối qua bỗng dưng bác giáo Bình giận cá chém thớt, cau có cầm tờ báo sang trút nỗi buồn vào tôi. Thoạt tiên tôi ớ người. Nhưng ngó bài báo tôi mới thấy thông cảm với bác giáo vốn hay động lòng trắc ẩn, nhất là khi chạm tới bọn trẻ, dù chỉ là thoảng qua.
Chẳng là bài báo đăng bức ảnh một con bé lớp 2 đang treo mình lơ lửng trên sợi cáp, vượt qua con sông hung dữ để tới lớp. Mẹ nó biết không, nhìn bức ảnh tôi đã thấy khiếp chứ chưa nói đến họ viết gì trong đó. Con sông này hồi ở chiến trường Tây Nguyên tôi chẳng lạ, tôi còn yêu thích đến thuộc cả bài hát viết về nó ấy chứ: Dòng sông mênh mang/Đôi bờ cây xanh biếc/Nước chảy xiết sâu thẳm…
Đấy, mẹ nó có hình dung được không. Nom cứ như màn xiếc giữa mênh mông nước. Ngộ nhỡ cô diễn viên tí hon ấy mà tòm xuống sông thì chưa biết trôi về đâu. Mà bài báo nói đã có ít nhất 5 người bị nạn vì đứt cáp giữa dòng rồi ấy chứ, bởi đây là cách qua sông chẳng mấy an toàn do người dân tự sáng chế ra để thay con thuyền không thể vượt sông do nước chảy xiết…
Thấy tôi bần thần, bác giáo lại tiếp cái sự bức bối của mình: “Tệ thật, trong khi nhiều nơi không có được một cái cầu nhỏ qua sông thì cũng lại nhiều nơi ở cái đất nước còn nghèo này có những con đường đắt nhất hành tinh, rồi chuyện đường mới làm năm trước năm sau đào lên làm lại. Mấy bữa nay, báo nói ầm ầm về cái sự chơi sang của ngành cầu đường, họ dùng công nghệ, vật liệu đắt tiền tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, gây lãng phí lớn mà hiệu quả thì chẳng xứng với cái sự lãng phí ấy. Mà họ có nhiều cách lựa chọn. Còn người dân lại chỉ có một lựa chọn để qua sông dẫu biết rất nguy hiềm, có khi phải đổi cả mạng mình. Bởi vậy mới có chuyện năm nào cũng có hàng chục người làm mồi cho hà bá vì lật đò, đắm thuyền. Này, chú có thấy đau lòng không khi con bé lớp 2 ấy quả quyết rằng “chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là rơi xuống sông liền, nhưng dù nguy hiểm thế nào đi nữa, con cũng không bỏ học”?”.
Bị bác giáo hỏi bất ngờ, tôi đâm lúng túng, tôi đã pha trò một cách vô duyên cũng chỉ định làm bác ấy hạ nhiệt: “Em đang tiếc giá như con Thu nhà em mà là con trai thì năm nay nhất quyết em cho nó thi đại học giao thông vận tải, chắc chẳng bao giờ thất nghiệp mà lương lại cao…”. Thấy bác giáo biến sắc mặt, tôi thật ân hận nên đành vớt vát: “Em cũng buồn như bác thôi, mình là dân nghèo nên dễ đồng cảm. Dưng mà, em với bác chỉ là hai thằng xe ôm, làm được gì nào?”. Bác giáo mắng tôi: “Mọi ngày chú nhanh ý lắm cơ mà, sao hôm nay lại… Tôi với chú không làm được việc to tát, thì ít ra cũng nói cho bà con quê mình biết, trong lúc đợi có cây cầu để qua sông thì đừng có mà nôn nóng học mấy cái làng ở Tây Nguyên cách làm xiếc đu dây qua sông nguy hiểm ấy, hiểu chưa? Chú biên ngay thư cho thím ấy đi, kẻo mùa lũ sắp đến rồi!”.
Tôi chẳng cần phải dặn mẹ cái Mùa thêm gì nữa. Mẹ nó nhớ lời bác giáo Bình nhé./.