Đã là luật thì cần phải cụ thể

Làm chính sách, pháp luật mà võ đoán, cảm tính, vừa lãng phí tiền bạc của Nhà nước, giấy mực của báo chí, thời giờ của nhân dân…

Ngày 19 tháng 3 năm 2009

Gửi mẹ cái Mùa

Tôi không biết nên buồn hay vui khi biên cho mẹ nó bức thư này. Chuyện tôi kể đêm nay đang là thời sự của xóm trọ ngoại ô, nhất là cánh xe ôm như tôi với bác giáo Bình.

Mọi chuyện bắt đầu từ thằng con bác giáo Bình. Thằng bé đang ngồi lúi húi mạng mủng chi đó bỗng thảng thốt: “Bố ơi, tin nóng đây này!” - Thái độ của thằng bé khiến tôi và bác giáo Bình ngoái cả lại. Thằng bé rành rẽ đọc: “Người muốn làm nghề xe ôm phải có sức khỏe, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, có đơn tham gia vận tải hành khách hoặc hàng hóa gửi lên phường, xã, thị trấn hoặc bến tàu, bến xe, bến cảng... để đăng ký hành nghề và được các cơ quan này cho phép. Ngoài ra, lái xe ôm chỉ được đứng đón khách tại các điểm đỗ mà cơ quan chức năng công bố. Đó là nội dung quan trọng nhất của bản Dự thảo thông tư Hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe thô sơ, xe máy, xe môtô 3 bánh để vận chuyển hành khách và hàng hóa của  Bộ Giao thông - Vận tải.”

Nghe hết bản tin, tôi với bác giáo nhìn nhau, nửa tin, nửa ngờ. Tôi bất ngờ thực sự vì từ thuở mang xe lên thành phố đến giờ, đến nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ đến việc cái nghề xe ôm của mình cũng được quan tâm đến như thế. Nhớ những ngày đầu, ra ngã tư chờ khách mà trong lòng thắc thỏm: “làm sao để người ta biết mình là xe ôm, biết lấy giá mỗi cuốc thế nào là phải chăng, liệu mình có vô tình tranh khách của ai không…”, tôi chỉ ước làm sao có được những quy định cụ thể để mình cứ thế mà tuân theo. Ước là ước vậy, nào ngờ nó lại thành sự thật.

Bác giáo Bình thì khác, cũng là sự bất ngờ, nhưng: “Các ông ấy hết việc hay sao mà bày đặt chuyện này. Thêm phép tắc nọ, kia để hành cho người ta thêm khổ!” - Bác giáo Bình vẫn vậy, vẫn hay nhìn ra khía cạnh tiêu cực trước tiên. Tôi cãi: “Có phép tắc thì vẫn cứ hơn, đỡ lộn xộn, đỡ cái sự đánh đồng những người làm ăn nghiêm chỉnh với những người chụp giật”. Tôi nghĩ thế thật. Nhưng cái anh cậy hơn người tý chữ trong bác giáo Bình thật đáng ghét. Bác ấy cười khẩy: “Chú Cả Chiêm phải là một nhà tư tưởng mới đúng! Chú nói chuyện đời mà cứ như trong sách, mơ mộng, hồn nhiên một cách thảm hại” - Rồi bác ấy phân tích: Đến taxi mà bây giờ còn chưa thực hiện việc đón khách tại điểm đỗ theo quy định nữa là xe ôm. Rồi, bắt người ta xin phép. Thế cái anh cùn, không xin phép thì làm sao kiểm tra, làm sao biết anh ta là xe ôm hay đưa đón người thân? Cái ông Phó cục trưởng Cục Đường bộ cho rằng: Hoạt động của đội ngũ xe ôm hiện nay khá lộn xộn, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cả về xã hội lẫn an toàn giao thông, nên cần có những quy định, chế tài ràng buộc. Nhưng “lộn xộn” như thế nào, mức độ “phức tạp” ra sao? Có công trình nghiên cứu, đánh giá nào cụ thể hay không? Làm chính sách, pháp luật mà cứ võ đoán, cảm tính như vậy, vừa lãng phí tiền bạc của Nhà nước, giấy mực của báo chí, thời giờ của nhân dân… - “Rõ là rách việc! Chỉ tạo điều kiện để người ta thêm việc mà xin cho!” - Bác giáo Bình kết luận.

Phân tích như thế, Cả Chiêm tôi đúng là không cãi được lời nào. Tôi đâm lo chuyện sắp tới lại phải đi xin phép. Nhưng, mặt khác, thâm tâm tôi vẫn có cái khoái, ấy là dẫu mất thời giờ, dẫu cái dự thảo có vô bổ thì cũng vẫn là một sự quan tâm của người làm chính sách đối với cánh xe ôm. Đời kể ra có những cái sự khoái cũng thật buồn cười, mẹ nó nhỉ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên