Đáng ngờ lắm

Hàng mấy trăm ngàn tỷ đồng chính phủ chi cho việc giải quyết thoát nước ở Thủ đô, mà sau nhiều trận đào đường, lại càng tắc ngập…  

Ngày 7/11/2008

Gửi mẹ cái Mùa!

Mấy hôm rồi, nghe đài và xem tivi, mẹ Mùa chắc cũng biết Hà Nội vừa qua trận đại hồng thuỷ. Không ai ngờ ở một đô thị văn minh, nổi tiếng là yên bình mà người dân lại chết đuối ngay trên đường phố của mình. Tôi là anh cày cuốc nên mấy hôm rồi cũng coi như trở lại cái thời lội ao ở quê thôi. Còn trí thức như bác giáo Bình mới khổ. Nước ngập đến ngực, bác ấy phải dắt xe. Mấy con ma cà rồng có cái tên rất hiện đại là xe buýt ào qua, sóng vỗ lên mặt, đẩy cả xe và bác ấy ngã dụi xuống biển nước đen ngòm, chảy cuồn cuộn. Là một người bơi giỏi, từng được Huy chương Vàng giải bơi lội thời trẻ trai mà ai ngờ lại bị sặc nước, uống đẫy cả một bụng nước cống Thủ đô. Đau đớn lắm bu nó ạ. Cháu Vân Anh học lớp 7, trường Bế Văn Đàn, đến lớp bị chết đuối. Chị Hà quê Phú Thọ, lên thành phố bán rau, kiếm sống như mình, cũng bị nước cuốn xác ra đến tận cánh đồng Mai Dịch. Đến cả một anh bác sĩ quân y mà cũng còn bị chết đuối ngay giữa đường phố...

Qua trận lụt này mới biết khả năng quản lý đô thị của ta quá kém. Khắc phục hậu quả thì lại chắp vá. Hàng mấy trăm ngàn tỷ đồng chính phủ chi cho việc giải quyết thoát nước ở Thủ đô, mà sau nhiều trận đào đường, lại càng tắc ngập. Cần phải xem lại mấy ông lo việc thoát nước này. Không thể ỷ cho thiên tai bất khả kháng được. Nhiều nước họ cũng có thiên tai chứ, nhưng có thủ đô nào úng lụt như ở nước ta không? Mà nhiều khi chỉ sau cơn mưa, Hà Nội đã hoá ao hồ. Đáng ngờ lắm. Ngay cả đường xá, lộ thiên trên mặt đất, đến mấy cái cọc tiêu đường, bọn gian dối còn lấy cọc tre thay cốt thép xi măng thì làm sao tin được những công trình chìm sâu dưới lòng đất mà mắt người không nhìn thấy được.

Tôi lo lắm bu nó ạ. Cái trò luộm thuộm, điêu chác, lối làm ăn tuỳ tiện, thiếu tầm nhìn xa đã thành một bệnh dịch, bắt đầu ô nhiễm đến các làng quê rồi. Làng cũng đang bị bê tông hoá. Có một ông nhà thơ gần đây vừa gióng một hồi chuông trên báo Tiếng nói Việt Nam: Những luỹ tre làng không còn dấu vết/Ao nhỏ chuôm to giờ lấp hết rồi. Không có tre pheo, ao hồ thì làm sao còn ra làng quê Việt Nam hả bu nó? Đã hàng ngàn năm nay, ao chuôm là lá phổi của làng. Nó còn là bộ máy điều phối thuỷ lợi, là cái “điều hoà nhiệt độ” của thiên nhiên mà ông giời ban tặng cho các làng quê. Không còn ao chuôm thì khi mưa gió, bão giông, nước biết trút vào đâu? Làng quê làm gì có cống rãnh như thành phố. Nguy lắm. Theo kinh nghiệm của Hà Nội, mẹ nó cũng nên cho đóng thuyền trước để “bảo trọng”!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên