Đâu rồi dáng quê?

Gửi mẹ cái Mùa: “Người quê lũ lượt kéo ra thành phố kiếm sống. Còn dân phố lại tràn về quê để được sống. Người quê mang cái luộm thuộm ở quê đi “khai hoá” . Còn người phố lại mang xi măng cốt thép về bê tông hoá làng quê.  

Ngày 13/11/2008

Gửi mẹ cái Mùa!

Lần trước, trong bức thư gửi bu nó, tôi có nói về quê mình học đòi đô thị. Rập khuôn theo đô thị thì không thành được đô thị mà làng quê lại mất đi cái dáng vẻ của làng quê. Ông nhà thơ, tác giả của câu thơ tôi kể cho bu nó nghe ấy, cũng ngậm ngùi nhận ra một sự thật đau đớn: “Còn lại dáng quê xưa chỉ cây lúa với con sông. Lúa với người vẫn ngọt bùi cay đắng. Vẫn tiếng vạc khuya, cánh cò chớp nắng. Xao xác bờ sông vẫn bên lở bên bồi”. Buồn nhỉ! Còn làng quê thì bê tông hoá hết rồi.

Không phải quê mình. Quê bác giáo Bình ở cái xứ miền Trung nghèo xác cũng không còn như trước nữa. Cứ như nhời bác ấy thì cái làng heo hút của bác ấy cũng đã hoá đô thị rồi. Đường làng đổ bê tông. Đêm đêm, những bờ tre, khóm chuối bỗng mỡ màng, óng nuột trong ánh sáng của những ngọn đèn đường. Làng đã có karaoke. Rồi cơm bụi. Rồi khách sạn, nhà nghỉ cao tầng lấp ló sau những gốc sung, bụi duối. Trống, nhạc xập xình.

Những gì thành phố có thì làng cũng có. Các cô thợ cấy, chăn lợn giờ cũng phấn son, váy áo loè xoè. Làng lúc nào cũng tưng bừng, náo nhiệt như Tết, nhưng bác giáo Bình thì lại bần thần cứ như người mất của: “Tớ mà có quyền lực ở làng, thì việc trước tiên, tớ cấm mấy cô chăn lợn không được mặc váy. Váy có phải ai cũng mặc được đâu. Chân cẳng, đùi vế đen nhem nhẻm, lại khùng khà khùng khoèo như những gốc sắn khô. Trông rõ một lũ ma cà rồng”. Cũng may mà bác giáo Bình chỉ là anh xe ôm nửa mùa, không có quyền lực.

Bởi thế cánh thợ cấy và các em chăn lợn mới có cơ hội nhóng nha nhóng nhánh. Mấy bà chủ tiệm LOLOTICA (Lòng lợn tiết canh), suốt ngày xem ti vi thì quả quyết rằng, không ít cô đi thi hoa hậu thế giới, trông cũng đen xì, mặt lại nhọ như đít nồi, làm sao sánh được gái chăn lợn làng mình.

Ông giáo lắc đầu: “Hỏng ráo cả”. Cứ như nhời bác ấy thì làng đang vỡ. Người quê lũ lượt kéo ra thành phố kiếm sống. Còn dân phố lại tràn về quê để được sống. Anh thị dân nào cũng thèm có mảnh vườn. Mà dân quê thì túng nên đất rất rẻ. Thế là cứ bán dần nhà cửa ruộng vườn. Làng bắt đầu xuất hiện những khách sạn của trọc phú phố phường. Người quê mang cái luộm thuộm ở quê đi “khai hoá” các thành phố lớn. Còn người phố lại mang xi măng cốt thép về bê tông hoá làng quê. Thế là tất cả cứ nháo nhác. Kinh!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên