Đừng để nông dân phải gánh chịu “hậu quả”

Nhiều người dân đang chết dở vì dự án. Bao nhiêu bài học rồi: cà phê, vải thiều, tôm sú… Người nông dân chỉ có kinh nghiệm và niềm tin ở các nhà khoa học, các cơ quan truyền thông. Lúc trắng tay chẳng biết kêu ai.  

Ngày 22/5/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Mấy hôm nay đọc báo nghe đài, mẹ nó biết tôi chú ý nhất cái điều gì không? Chẳng phải chuyện cúm “hát a”, chẳng phải chuyện giá sữa cao, cũng chẳng phải cái vụ án ma túy đang được xét xử… Tôi chỉ quan tâm cái tin về những ông nông dân làm giàu nhờ nuôi thú lạ. Mẹ nó biết không, nhờ nuôi mấy cái con giông (như con thằn lằn ở quê mình) mà có người trở thành tỷ phú đấy. Tôi đọc chăm chú, định tìm hiểu để làm theo, nhưng mà giở thêm mấy trang báo, lại thấy một chuyện khác, đành bỏ ngay ý định nuôi giông.

Cái bài báo khiến tôi tỉnh ngộ viết về chuyện người nông dân ở Huế chết dở vì dự án. Báo viết rằng mấy năm nay cái huyện Quảng Điền cho người nông dân trồng thử cây điều trên đất cát. Gọi là thử, nhưng cũng là hàng trăm ha. Sau hai năm, hàng đống tiền mua giống, hàng đống công sức của bà con đổ vào cây điều chỉ thu về mấy cọng củi khô. Khổ thế đấy! Mà không chỉ cây điều thôi đâu, còn măng cụt, còn xoài nữa chứ. Huyện bảo là thử nghiệm, tức là chưa dám chắc hiệu quả ra sao, thế mà đã nhân rộng cho bà con cùng làm, đến cả trăm ha như thế. Là người nông dân, thấy huyện bảo làm thì sao mà không tin. Bây giờ trắng tay, chẳng lẽ lại bắt đền ông huyện?

Đọc đến đây, mẹ nó rồi cũng sẽ hỏi tôi: “Cây điều thì liên quan gì đến con giông? Một đằng là thử nghiệm, một đằng thấy người ta làm giàu rõ ràng như thế. Khác hẳn cơ mà”. Bác giáo Bình cũng bảo tôi như thế. Nhưng tôi thì nghĩ, con giông cũng giống như cây điều, có người đã làm, đã thành công, nhưng mình làm, nhiều người ở các vùng quê khác cũng làm thì có thể thành công hay không?

Bao nhiêu bài học rồi, cà phê, vải thiều… rồi con tôm sú nữa. Dân mình cứ thấy người ta làm được là nghĩ ngay mình làm rồi cũng bốc ra tiền. Lúc trắng tay chẳng biết kêu ai. Nuôi con gì, trồng cây gì là cả một chiến lược, phải nghiên cứu công phu mới làm đại trà được. Người nông dân chỉ có kinh nghiệm, và niềm tin ở các nhà khoa học, các cơ quan truyền thông. Các cơ quan đó đưa ra khuyến cáo mà lung tung thì dân gánh đủ rủi ro. Nhưng mà làm sao để buộc họ phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình, để không có chuyện phải băn khoăn, ngơ ngẩn như tôi, mẹ nó nhỉ?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên