Đừng quy kết từ hiện tượng ra bản chất

Một thời chúng ta nhìn các nhà doanh nghiệp như những con buôn. Thật là oan cho họ

Ngày 18/10/2008     

Gửi mẹ cái Mùa

Hôm vừa rồi, có một chuyện khá vui, mà bữa nay  tôi muốn kể với bu nó. Tôi gặp một ông khách rất lạ kỳ. Bác ấy là nhà doanh nghiệp thành đạt. Tôi biết vậy, vì bác ấy đến gặp mặt với các nhà lãnh đạo đất nước nhân ngày doanh nhân. Bác ấy có xe, nhưng không hiểu sao, lại đi xe ôm. Ngày xưa, cũng đã có thời, bác ấy làm nghề xe ôm như mình. Nói thế để bu nó biết rằng, cái nghề của tôi cũng không xoàng. Biết đâu rồi có ngày, tôi làm tổng giám đốc một doanh nghiệp. Bác ấy chỉ đi có một đoạn, mà khi xuống xe, bác ấy dúi vào tay tôi cả một triệu đồng. Một triệu, bằng tôi chạy xe gần nửa tháng. Nhưng tôi không nhận. Tôi làm nghề xe ôm, chứ tôi có phải là kẻ hành khất đâu. Bác ấy có vẻ rất khoái. Mình cần phải đàng hoàng. Dân quê là thế. Dù đói cũng quyết không lèo lá!

Một thời chúng ta nhìn các nhà doanh nghiệp như những con buôn. Thật là oan cho họ. Ngay bây giờ, họ cũng vẫn bị oan khuất. Bu nó hay sang xem nhờ tivi bên hàng xóm thì biết đấy. Hình bóng họ hiện lên trong phim nhiều khi cũng chả ra làm sao cả! Bác giáo Bình trên này nói với tôi: Trong tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, đặc biệt là điện ảnh, truyền hình, các nhà doanh nghiệp thường xuất hiện với dáng vẻ rất dị dạng: Giàu có, hợm hĩnh, phè phỡn, trác táng, coi đồng tiền như cái rác. Tất nhiên trong giới kinh doanh cũng có anh như thế. Đó là một vài anh doanh nghiệp rút tiền chùa ra tiêu. Nhưng từ một vài hiện tượng cá biệt mà quy kết giới doanh nghiệp như vậy thì lại không ổn. Vì đấy là cái nhìn rất cũ, đầy định kiến. Với cái nhìn nghi kị ấy, trước đây, chúng ta từng kết tội không ít người giàu, cho họ là những kẻ bóc lột, những kẻ chuyên làm ăn bất chính. Không ít người còn bị tịch thu tài sản. Rốt cuộc, chúng ta không đẩy người nghèo lên ngang với người giàu, mà kéo người giàu xuống làm người nghèo. Rồi lại lấy cái nghèo làm tiêu chí, làm cả thước đo các giá trị khác nữa. Có người còn tự hào, kiêu hãnh vì nghèo.

Nghe bác giáo nói, tôi thấy đúng quá. Mẹ nó cứ nhìn ngay trong làng mình ấy. Bác Cả Chõn ngày xưa từng bị coi là địa chủ, phải xuống ở chuồng trâu. Còn cái nhà ngói của bác ấy thì chia cho bố con nhà Hai Cõn. Rốt cuộc sau mấy chục năm, bố con “lão địa chủ” lại vật cái chồng trâu lên thành khu biệt thự sáu tầng sang trọng. Còn bố con nhà bần cố Hai Cõn lại tháo ngói bán dần để ăn. Cái nhà ngói oai vệ nhất làng ngày xưa bây giờ chả khác gì cái chuồng trâu. Thế sự quay như cái đèn cù. Buồn cười thật bu nó nhỉ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên