Hạnh phúc ở đời…
Trên cùng một trang báo, một bài báo nói về những sinh viên giỏi phải bỏ học vì gia đình không có tiền để chu cấp, một bài lại miêu tả có những người bỏ ra cả triệu đồng để trả tiền học cho chó, như thế làm sao mà không có sự so sánh! Mà so sánh như thế thì còn gì hạnh phúc!
Hà Nội ngày 25 tháng 3 năm 2010
Gửi mẹ cái Mùa.
Lâu nay, mỗi khi biên thư cho mẹ nó, tôi cứ hay kể chuyện tranh luận với bác giáo Bình. Cứ mãi như thế, tôi e mẹ nó cũng thấy nhàm. Hôm nay, tôi muốn mẹ nó nhìn tôi với một con mắt khác, có tầm cỡ triết học hẳn hoi. Chuyện hạnh phúc ở đời… Nghe oách không?
Nói về hạnh phúc, tôi nhớ có lần chở một anh nhà báo. Anh ấy thấy tôi vui chuyện mà buột miệng “sống như bác kể cũng hạnh phúc thật!” - Tôi cười “hạnh phúc cái nỗi gì, chạy ăn từng bữa thôi anh ơi!” - Anh ấy bảo: “Hạnh phúc là khi người ta thấy hài lòng với cuộc sống của mình…”. Câu đó thì tôi cũng đã nghe có nhiều người nói, kể ra thì cũng phải. Vì vậy, hôm qua tôi đọc báo, thấy có bài phóng sự kể về nỗi khổ của những người nông dân có con cái là sinh viên giỏi mà phải bỏ học vì không thể vay được vốn hỗ trợ. Bài phóng sự ấy được rất nhiều người đọc, tham gia bình luận với tâm trạng xót xa. Đọc xong, tôi nghĩ khổ đau hay hạnh phúc ở đời không thể áp dụng chung một khái niệm cho tất cả mọi người.
Tôi từng đọc trên báo một câu chuyện rất hay. Đó là ở vùng núi cao, từ hàng trăm năm nay, người dân địa phương vẫn hàng tuần lại xuống chợ phiên, họ ăn uống, họ vui chơi, lồng họa mi lủng lẳng trên tay, đầu đội mũ nồi đen, ngồi uống rượu hát hò. Tất cả đều nghèo khó như nhau nhưng ánh mắt thì ngời lên hạnh phúc. Ít năm gần đây, vẫn những người dân ấy xuống chợ, họ giàu hơn trước, song có người thì giàu hơn. Họ vẫn gặp nhau ở chợ phiên, vẫn uống rượu và xách lồng họa mi, nhưng có người vẫn đội mũ nồi đen và đi bộ, có người đội mũ bảo hiểm đi xe máy… Mũ nồi nhìn mũ bảo hiểm, trong ánh nhìn đã mất đi niềm hạnh phúc. Thế đấy, những người nông dân nghèo ở Thanh Hóa dẫu khó khăn trong việc vay tiền cho con học đại học, nhưng đó là cái nghèo chung, khổ chung, họ không có nhiều sự so sánh, và vì thế họ cũng ít mất đi những ánh nhìn lấp lánh. Tôi tin rằng họ vẫn hạnh phúc! Tôi cứ nghĩ thế cho đến khi đọc hết bài báo để rồi thấy trên cùng trang báo ấy có một bài khác, bài báo cũng nói chuyện học hành, nhưng là chuyện học hành của những chú cún ở những gia đình thành thị giàu có.
Mẹ nó có biết không, bài báo tả người ta cho chó đi học bán trú, nội trú, học cách nghe lệnh chủ bằng cả ngoại ngữ nữa. Phú quý sinh lễ nghĩa, từ con cẩu mà lễ nghĩa đi. Hai bài báo ở cùng một trang, một bài nói chuyện nhiều sinh viên giỏi phải bỏ học vì gia đình không thể có mỗi tháng cả triệu đồng để chu cấp cho con, một bài lại miêu tả những người bỏ ra cũng cả triệu đồng trả tiền học cho chó. Mẹ nó bảo, như thế thì làm sao mà mình chả so sánh! Mà so sánh như thế thì còn gì hạnh phúc! Tôi chỉ còn thấy mắt mình cay cay.
Mẹ cái Mùa à, xưa nay chuyện kẻ ăn không hết người lần không ra cũng là việc bình thường. Song, đọc hai bài viết ấy ở cạnh nhau, dù sao tôi cũng thấy có điều gì vô cùng bất nhẫn. Người ta có tiền, người ta yêu động vật thì người ta cho chó đi học ngoại ngữ, đó là việc của người ta. Nông dân nghèo, con cái phải bỏ học đi làm phu hồ, đó là việc của mình. Chẳng lý do gì mà kêu ca!
Nhưng mà, tôi cứ nghĩ cùng là dân một nước, cùng hưởng chung một chính sách, cùng tự hào với câu “rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu”, thế mà sao đời sống lại có quá nhiều khoảng cách như thế, mẹ nó nhỉ? Nói những người nông dân không đủ tiền để nuôi con ăn học là bởi người ta dốt, mình cũng phải tin thôi. Nhưng mà, nếu dốt sao con họ lại có thể là sinh viên giỏi để mà nhà báo phải xót xa khi chúng phải bỏ học vì thiếu tiền?
Câu hỏi ấy, tôi chẳng biết phải trả lời làm sao, muốn hỏi bác giáo Bình nhưng lại e bác ấy nổi cơn bất bình mà tranh luận cực đoan, thôi thì cứ tâm sự với mẹ nó cho vơi đi cảm giác nặng nề. Mẹ nó mà biết câu trả lời thì chia sẻ cùng tôi nhé!./.