Học ngoại ngữ để làm xe ôm

Chạy cái xe cà tàng ra cửa ga mời khách, cứ xủng xoẻng tiếng Tàu không khéo khối người hiếu kỳ lại đi xe, đến lúc lấy tiền cứ ra hiệu, muốn mặc cả cũng không được.

Hà Nội ngày 26/1/2010

Gửi mẹ cái Mùa,

Đợt này tôi ít biên thư cho mẹ nó. Chẳng phải tôi lười, chẳng phải Hà Nội đã ít chuyện để buôn. Tôi bận. Tôi đi học tiếng Tàu để làm xe ôm… ngoại.

Mẹ cái Mùa cứ bình tĩnh đọc thư, đừng có vội băn khoăn. Tôi không dở người đâu mà sợ! Cái ý tưởng giả làm xe ôm ngoại của tôi đã bắt đầu từ khá lâu rồi, từ cái đận cầu Thăng Long sửa chữa khiến tôi có cơ hội chở một ông khách kỹ sư đi làm bên Mê Linh. Ông khách đồng tuổi tôi, đường dài lắm chuyện nên anh em cũng có nhiều cơ hội được hiểu nhau.

Có lần tôi bạo miệng hỏi, bác làm xa thế chắc lương cao? Ông ấy bảo: 15 triệu đồng/tháng thì có cao hay chăng? Tôi bảo: Cao tít chứ lị! Bác ấy cười: Cao như đít ông giời bác ạ! Em học ở Liên Xô về, chuyên gia đầu ngành, mấy chục năm kinh nghiệm, thế mà lương chỉ bằng nửa mấy thằng chuyên gia ngoại. - Tôi an ủi: So với Tây làm gì? - Bác ấy càng cay cú: Chẳng so nếu mình không so nổi. Đằng này chúng nó tay nghề không bằng mình, kinh nghiệm càng ít hơn, chỉ hơn mình mỗi cái sự không biết nói tiếng Việt!

Tôi tỏ ra không hiểu, bác ấy giải thích: Không biết tiếng Việt thì chúng nó không cần hiểu những thứ không có lợi. Ví dụ, giám đốc than phiền kinh thế suy thoái chúng nó không hiểu, giải thích về sự cống hiến chúng nó càng không hiểu… nó chỉ hiểu lương nó phải thế này, thế kia… Công ty của tôi chỉ hướng đến thị trường nội địa, có chuyên gia ngoại nó mới sang, thế là phải thuê chúng nó.

Lời giải thích của ông khách đi xe khiến tôi chợt ngộ ra vì sao mà dạo này Hà Nội có nhiều tăng ni ngoại lang thang khất thực. Mấy ông thầy chùa Trung Quốc lủng lẳng mươi cái mặt dây chuyền Phật ngọc (toàn là bột đá giả ngọc) đi khắp Hà Nội, gặp ai cũng tặng, rồi chìa ra mảnh giấy viết mấy dòng tiếng Việt rằng đi quyên tiền xây tượng Phật. Bà con hỏi lại cái gì cũng không biết, chỉ “xủng xoẻng” tuôn ra một tràng tiếng Tàu địa phương (nhỡ may gặp người biết tiếng phổ thông thì báo hại). Thế mà xin được nhiều ra phết!

Ghép hai chuyện đó lại, tôi nghĩ nếu mình học tiếng Tàu, chạy cái xe cà tàng ra cửa ga mời khách, cứ xủng xoẻng như thế không khéo khối người hiếu kỳ lại đi xe, đến lúc lấy tiền cứ ra hiệu, muốn mặc cả cũng không được, hay ra phết! Nghĩ là làm, đến nay tôi đã học được kha khá tiếng Tàu: Hôm qua tham khảo ý kiến bác giáo Bình lần cuối, vừa nghe tôi nói, bác ấy dí tờ báo vào mặt “Chú chẳng biết gì, công an Hà Nội vừa buộc trục xuất ba sư giả ngoại quốc, toàn dân Tàu. Chẳng ngon ăn như chú tưởng đâu?” - Thấy vậy, tôi cả cười: Càng tốt bác ơi! Công an sờ đến, em lại là người Việt. Có ai cấm xe ôm nói tiếng Tàu cơ chứ! Bác xem, Hà Nội bây giờ biển hiệu 100% tiếng ngoại, phạm luật rõ ràng còn chẳng sao. Dân mình sính ngoại, kiểu gì em chẳng kiếm. Mà không kiếm được thì có khi cũng được nổi tiếng là dám nghĩ, dám làm!

Mẹ nó biết không? Nghe tôi nói vậy, bác giáo Bình chẳng còn gì để mà phản đối, đã thế lại còn chép miệng: Thời thế cái gì cũng mông lung, biết đâu chú lại nên người với cái ý tưởng dở hơi này. Mẹ nó đợi đấy, chí tôi quyết rồi, phen này không thành công thì cũng thành nhân! Chai chen mẹ nó! (Tiếng Tàu là tái kiến, tức là hẹn gặp lại, mẹ nó biết không?)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên