Khổ vì sửa cầu

Từ đầu tháng đến giờ, cầu Thăng Long sửa chữa, lúc nào cũng tắc. Hai bên đường xe tải đỗ thành hàng dài, lái xe vạ vật chờ đến đêm mới đi được

Hà Nội ngày 3/11/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Dạo này việc làm ăn của tôi chán quá, mẹ nó à! Trót ký hợp đồng với ông khách quen, sáng chở ông ấy sang khu công nghiệp Bắc Thăng Long, chiều đón. Hồi đầu thì ngon ăn, dạo này coi như móm!

Từ đầu tháng đến giờ, cầu Thăng Long sửa chữa, lúc nào cũng tắc. Bình thường tôi đưa khách từ nhà sang bên đó chỉ mất 30 phút đi, 30 phút về, tới lúc sang đón thì cũng tranh thủ làm thêm được vài cuốc nữa. Bây giờ á! Sang đến nơi, nhìn đường trở về toàn người với xe, thôi tìm một chỗ mát, mắc cái võng nằm đọc sách, chờ đến chiều cho nó lành. Mẹ cái Mùa nghe đến đây, chắc cũng sẽ nghĩ như bác giáo Bình, cho rằng tôi ngại khó, ngại khổ.

Nói thật nhé! Mẹ nó không hình dung được cái cảnh tắc đường ở cầu Thăng Long dạo này đâu. Hai bên đường xe tải đỗ thành hàng dài, lái xe vạ vật chờ đến đêm mới đi được. Trên cầu, lòng đường chỉ còn lại một nửa, các loại xe cộ chen chúc nhau đi như rùa bò, dân xe ôm như tôi, vượt qua quãng đường đó thì chết tiền xăng, mà còn phát ốm ra ấy chứ! Với lại, lộn về rồi, đến chiều lộn sang không kịp, lỡ hẹn với khách thì tôi cũng không đành.

Nghe tôi tính toán vậy, bác giáo Bình cứ cười, cho rằng tôi nguỵ biện cho cái sự lười, cái sự chán nghề, nhớ quê. Tôi chẳng buồn cãi, bảo bác cứ thử một lần xem! Thế mà bác ấy thử thật, nhân một chuyến chở khách qua cầu, bác ấy ghé chỗ tôi. Thấy cái mặt bạc phếch vì bụi của bác ấy, tôi đắc thắng bảo: “Bác thấy chưa, em đâu có nói điêu?” - Bác giáo gục gặc cái đầu: “Cả Chiêm thánh thật! Tớ không thể hình dung lại có sự kỳ quặc như thế!” - Tôi bảo: “Sao lại kỳ quặc?” - Bác ấy phân tích là việc thi công cầu khiến các phương tiện qua sông Hồng phải tuân theo sự phân luồng tạm thời, đi vòng cả mấy chục cây số, tốn kém nhiên liệu không biết bao nhiêu mà kể. Thêm vào đó, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông phải tăng cường cả ngàn người để đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường huyết mạch này, thiệt hại không thể tính được bằng tiền. Dĩ nhiên, việc sửa cầu là cần thiết. Tuy nhiên, đây là việc phải tiến hành khẩn trương, thế mà tối qua, thấy người ta cứ rào đường lại rồi để đấy, nhìn ngứa mắt không thể chịu nổi. Chưa làm được thì cứ để người ta đi, rào đường lại mà chẳng chịu làm cho xong, những thiệt hại như tôi vừa nói, ai chịu?

Tôi bình tĩnh chờ bác giáo xả hết cơn bức xúc, mới thủng thẳng nói: “Ai thiệt, ai hại thì ráng chịu chứ sao? Bác không thấy mấy cái biển trên công trường à, mỗi phần việc là một nhà thầu, họ trúng thầu rồi, cứ theo hợp đồng mà làm, còn ai ngứa mắt thì cứ ngứa thôi!”

Nghe tôi nói giọng đó, bác giáo nhìn tôi buồn rầu: “Tôi biết vì sao chú tính được cái chuyện mắc võng chờ khách hàng rồi. Thì ra chú đã thích ứng được, còn những người như tôi thì chẳng làm sao mà quen nổi cung cách làm ăn kiểu như thế!”

Nghe giọng buồn của bác ấy, tôi phải xuống giọng an ủi: “Bác đừng nghĩ thế! Em cũng nào có quen, chẳng qua mình thấp cổ bé họng, chẳng thể làm gì thì phải sống chung với bão mà thôi!”

Bác giáo Bình vỗ vai tôi: “Chú nói cũng phải! Nhưng mình là người đóng phí cầu, phí đường, mình phải có quyền lên tiếng chứ! Các đơn vị thu phí thì phải có trách nhiệm, việc sửa chữa cầu đường là cần thiết, nhưng việc chọn nhà thầu, việc đốc thúc nhà thầu cũng cần thiết, ít ra thì đừng để người dân ngứa mắt chứ!”

Bác giáo Bình nói hay, mẹ nó nhỉ! Cầm đồng tiền của người dân, có thể phục vụ người dân chưa hoàn hảo thì ít ra cũng đừng làm người dân ngứa mắt chứ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên