Liệu mọi người có bình đẳng trước pháp luật?
Chỉ khi mọi người đều có ý thức tôn trọng pháp luật như nhau thì mới gọi là công bằng, mới không có cái sự nhờn luật
Ngày 28/2/2009
Gửi mẹ cái Mùa
Thư trước, tôi vui mừng kể với mẹ nó chuyện tháng 7 tới, luật mới sẽ cấm tiệt mấy anh mặt đỏ lái ô tô. Tôi mừng vì quy định triệt để như vậy thì luật mới khả thi, và người dân sẽ bớt nhờn luật. Cái đó thì đã đành.
Song, chuyện người dân nhờn luật thì không chỉ bởi mức độ khả thi. Quan trọng hơn vẫn cứ là thái độ thượng tôn pháp luật của mỗi người. Cái chữ “thượng tôn pháp luật” là tôi học được ở trên đài. Lúc đầu tôi không hiểu, về hỏi bác giáo Bình, bác ấy bảo: “Câu đó có nghĩa là phải coi pháp luật trên tất cả”.
Nhưng, bác ấy cũng kể rằng, ông Khổng Tử ngày xưa có câu nói rất hay, rằng: “Hình bất thượng đại phu”, tức là hình luật chẳng thể phạm đến những kẻ bề trên bao giờ - Cái đó thì tôi cũng nghe nói. Song chuyện các vị bề trên thì tôi không rành. Tôi chỉ biết một thực tế là rất nhiều người nghèo hiện nay cũng hay… cậy nghèo để không tôn trọng pháp luật.
Bảo là “cậy nghèo” là tôi nói sự thật chứ chẳng phải nói ngược đâu. Nhất là trong việc tuân thủ luật giao thông mới càng rõ. Luật quy định rất cụ thể là không được đi xe máy chở hàng hoá cồng kềnh. Vậy mà mỗi sáng ra đường tôi vẫn gặp nhiều bà con ngoại thành chở nông sản vào phố. Khỏi phải nói cái sự cồng kềnh của hàng hoá. Không những thế, cái xe máy con con chất đầy bao lớn bao bé, chỉ còn chừa một tý cái mẩu yên cho người lái mớm đít. Thế mà có bác nông dân lại còn chở thêm bà vợ ngồi thu lu trên đùi nữa chứ. Lái xe kiểu đó mà không gây tai nạn, kể cũng tài!
Nhưng mà tài nhất là họ không mấy khi bị cảnh sát giao thông thổi phạt. Nhân chuyện đó, tôi bảo bác giáo Bình: “Đâu chỉ đại phu, nhiều khi hình bất thượng cả thứ dân nữa đấy!” - Bác ấy cười cười: “Cái chú này cũng nho nhe ra phết nhảy! Chẳng qua là mấy anh công an giao thông cảm thấy bất nhẫn khi thổi phạt bà con. Một xe rau, xe cá của bà con, lặn lội từ nửa đêm để vào phố, tiền lãi chẳng bằng một cái vé phạt. Bất đắc dĩ lắm người ta mới phải phạt.”
Tôi nghe thấy có lý. Đặt mình vào vị trí mấy chú công an, nhìn cảnh mưu sinh vất vả của họ, nỡ lòng nào mà phạt. Nghĩ vậy, tôi mới phần nào hiểu ra vì sao bây giờ trên đường phố, chỉ có những cái xe ba gác máy của mấy bác thương binh là thoải mái chở hàng cồng kềnh. Thông cảm cho mấy chú cảnh sát, cũng cảm thông với bà con nghèo, với anh em thương binh… song, nói thật, tôi vẫn nghĩ cái gì ra cái đó.
Hỗ trợ người nghèo, tạo điều kiện cho anh em thương binh làm ăn là việc nên làm. Nhưng, phải có cách nào đó, chứ không thể lẫn lộn việc đó với sự làm ngơ cho họ vi phạm pháp luật. Cái câu “hình bất thượng đại phu” của nhà ông Khổng Tử thời phong kiến đã quá lạc hậu rồi. Chẳng lẽ giờ chúng ta lại chấp nhận việc luật pháp không động đến người nghèo?
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật! Tôi vẫn nhớ như thế, và cũng mong như thế. Chỉ khi mọi người đều có ý thức tôn trọng pháp luật như nhau thì mới gọi là công bằng, mới không có cái sự nhờn luật, phải không hả, mẹ nó?./.