Mỏng manh phận người

Không chỉ do tai nạn giao thông, mà còn biết bao loại tai nạn khác nữa, nhoằng một cái đã cướp đi mạng người

Hà Nội ngày 15/7/2010

Gửi mẹ cái Mùa

Tôi vẫn thường than với mẹ nó rằng: “Phận người mỏng như lá lúa”. Sống ở thành phố đông người, tôi càng thấy câu nói ấy đúng làm sao. Sáng nào ra khỏi nhà, tôi cũng đem theo cái radio nhỏ bằng bao thuốc, đút túi để nghe cái anh VOV Giao thông thông báo tình hình. Nghe liên tục mới thấy kinh mẹ nó ạ. Người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày chẳng kém gì người chết trận thời chiến tranh. Và còn biết bao loại tai nạn khác nữa. Nhoằng một cái đã mất mạng người.

Mới hôm kia thôi, cái ông “Thủy Tinh” bất ngờ đánh úp đúng lúc mọi người vừa ra khỏi nhà. Trời như trút giận sau cả tuần bức bối, mưa xối mưa xả, chẳng mấy chốc các nẻo đường của Thủ đô chìm trong biển nước. Tôi và bác giáo Bình chở khách sớm nên cũng chẳng tránh được mưa. Đi giữa phố mà cứ như đang lội ao làng. Lại còn phải làm cái anh cứu hộ bất đắc dĩ nữa chứ, bởi cơ man là xe máy, ôtô chết vì sặc nước. Chốc chốc lại phải giúp người đủn cái xe giữa “ao” lên vỉa hè. Rồi thì chở khách chạy lòng vòng tìm chỗ không ngập mà đi… Mệt bở hơi tai. Buổi trưa về nhà trọ ăn qua quýt, đánh một giấc lấy sức. Rồi lại ra đường. Mới hay buổi sáng độc trong nội thành mà có những 3 người chết vì điện giật do nước ngập vào nhà. Rõ là những cái chết oan uổng.

Năm ngoái, ở thành phố Hồ Chí Minh, có trẻ em chết do bị điện giật ngoài phố khi chơi cạnh cột điện và máy rút tiền bị rò điện mà không biết. Trẻ nhỏ chết, trách nhiệm quy cho người lớn và những người có trách nhiệm nhưng thiếu tránh nhiệm gây hậu quả đau lòng. Còn lần này, toàn người lớn thiệt mạng: một bà chủ, một người làm thuê, một cô sinh viên ngoại tỉnh. Biết đổ tại ai đây? Tại ông trời chăng?

Bác giáo Bình nhận xét: Ngoài nguyên nhân khách quan thì phần lớn do chủ quan và coi thường mạng sống. Thấy nước ngập vào nhà thì phải đề phòng mọi bất trắc, rủi ro chứ. Những điều đó hết sức sơ đẳng. Nhưng nhiều người vẫn lơ là mất cảnh giác. Người chết thì chẳng còn nghe thấy. Phải nói cho người sống nghe. Báo, đài cũng vậy. Mới chỉ nói nhiều đến chuyện ngập lụt, ách tắc mà chưa nói mạnh cách phòng tránh tai ương cho người dân hiểu.

Nghe bác giáo nói, tôi giật mình nghĩ lại khi sáng hôm đó tranh thủ trên đường về, tạt qua chợ cóc trong ngõ gần xóm trọ, ghé bà hàng thịt mua ít bạc nhạc về nấu bữa trưa. Con ngõ ngập nước. Bà hàng thịt và mấy cô hàng rau quần xắn đến bẹn, bâu quanh cái cột điện để treo mắc hàng. Lúc đó sao tôi chẳng nghĩ ra mà cảnh báo họ nhỉ.

Mùa mưa bão đến rồi. Mẹ cái Mùa và các con ở nhà hết sức cẩn thận nhé. Sấm sét, mưa to gió lớn thì tốt nhất là ở nhà, đừng ham công tiếc việc. Kiếm cái ăn tuy rất quan trọng, nhưng mạng người còn quý hơn! Và nhớ chuyện điện đóm. Hôm nào tôi về phải thay lại mấy chỗ dây điện trong nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên