Từ làng ra phố

Nghèo thì không cần tuân thủ luật lệ?

Về tình mà nói ai cũng cảm thương người đàn bà vì nghèo mà phải đi mót cà phê. Nhưng về lý, rẫy cà phê của người ta có rào dậu, ngoài cổng đề biển cảnh báo có chó dữ, thế mà những người phụ nữ ấy vẫn cứ dại dột đi vào

Hà Nội ngày 4 tháng 3 năm 2010

Gửi mẹ cái Mùa

Tôi với bác giáo Bình lại cãi nhau rồi mẹ nó ạ! Lần này cãi nhau to. Năm mới năm me, vừa ở quê ra, anh em hàn huyên chưa được mấy bữa đã cãi nhau, đúng là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng mà lần này tôi không chịu nổi nữa!

Chưa nói thì mẹ nó hẳn cũng biết, tôi với bác giáo Bình mà cãi nhau thì chỉ có thể là chuyện nhân tình thế thái mà thôi. Chuyện là, vừa chân ướt chân ráo về xóm trọ, bác giáo Bình đã ở đó ngay sau hôm rằm tháng Giêng, đợi tôi. Chén rượu gặp lại chưa kịp cạn, bác ấy đã lôi chuyện thời sự ra để buôn. Chuyện vốn từ năm ngoái, cái vụ mấy người đàn bà mót cà phê bị chó cắn chết thảm trong Tây Nguyên.

Tôi bảo bác ấy: “Chuyện cũ rồi, mà năm mới nhắc lại làm gì cho thêm buồn!” - Bác ấy không nghe: “Cũ đâu mà cũ, chú không biết là báo chí mấy hôm nay ồn ào vì Viện Kiểm sát trả lại hồ sơ, không truy cứu vụ việc này hay sao?” - “Em không, nhưng mà chuyện đó thì có gì là lạ! Vụ án không đáng truy cứu thì họ không truy cứu chứ sao?” - Bác giáo Bình vằn mắt nhìn tôi: “Chú năm nay làm ăn được nên đã quên mình cũng là người nghèo. Họ vì miếng ăn mà chết thảm, họ vì nghèo mà bị luật pháp bỏ rơi, đến một chút cảm thông của những người đồng cảnh ngộ cũng không còn...”

Tôi chưa từng thấy thái độ bác ấy như thế, cũng sợ. Nhưng cái cách mà bác ấy mỉa mai tôi như thế thì làm sao mà chịu nổi cơ chứ! Tôi đâu phải cái loại người như bác ấy nói. Có điều, tôi chẳng thể nào đồng ý với cái việc cứ nghèo thì không cần phải tuân thủ luật lệ.

Mẹ nó còn nhớ chính bác giáo Bình đã khai sáng cho tôi khái niệm thượng tôn pháp luật? Chính bác ấy là người phê phán tư duy “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” của người Việt Nam ta. Về tình mà nói thì ai cũng cảm thương những người đàn bà vì nghèo mà phải đi mót cà phê trong rẫy của người ta để chó dữ xé xác. Nhưng còn về lý thì sao? Rẫy cà phê của người ta có rào dậu đàng hoàng, ngoài cổng còn đề biển cảnh báo có chó dữ, thế mà mấy chị ấy còn dại dột đi vào. Cũng là phận nghèo như họ, khi biết chuyện tôi cũng rớt nước mắt chứ đâu như bác giáo Bình mỉa mai. Nghĩ vậy, tự dưng chén rượu thành đắng ngắt, cục tức trong tôi ứ đến trào nước mắt. Tôi cũng dằn chén rượu xuống mâm, nhìn thẳng mắt bác ấy mà nói: “Bác giáo đừng nói thế với em! Chính những người như bác, với lối nghĩ như bác mới khiến mọi sự thêm rối ren. Cuộc sống muôn màu, thực thi công lý cho đúng với luật pháp đã khó, lại còn phải chịu thêm những sức ép đầy cảm tính của công luận của những người như bác thì làm sao cho có được những quyết định sáng suốt đây?” - Tôi căng, bác giáo căng, thế là bữa rượu gặp mặt cũng tan, anh em chẳng còn muốn nhìn vào cái mặt nhau làm gì, buồn ơi là buồn!

Mẹ nó à, trước khi lên Hà Nội, mẹ nó có dặn tôi đừng cãi nhau với bác giáo mà làm gì. Anh em tối lửa tắt đèn nơi đất khách, chín bỏ làm mười. Mẹ nó khuyên bao giờ cũng đúng! Nhưng mà tôi nằm vắt tay lên trán cả đêm rồi. Tôi nhịn bác ấy cũng được thôi! Có điều, tôi lo cho bác ấy, tính khí mỗi ngày một cực đoan, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, cũng thấy cái dở của cơ quan Nhà nước, mình nhịn bác ấy lần này, bác ấy lại càng thấy bác ấy hay, càng thêm cực đoan, rồi có khi tư tưởng lệch lạc mà làm điều dại dột không biết chừng. Khổ thế đấy, mẹ nó bảo tôi phải làm sao đây?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên