Nghĩa tình đồng đội đáng trọng hơn mọi thứ trên đời

Thôi thì vất vả, thôi thì nghèo khó, nhưng dẫu sao em cũng muốn chúng ta giữ được cái tình của những người đồng đội, bác nhé!...

Ngày 30 tháng 4 năm 2009

Bác giáo Bình thân mến!

Em đã thôi không giận bác nữa rồi, nhưng chưa kịp nói ra với bác thì đã đến ngày 30/4 nên em vù về quê với mẹ nó ít hôm. Lúc bực mình, nghĩ có thể giận bác mà không thèm nhìn mặt, xa bác mấy hôm, em lại… nhớ. Buồn cười thật!

30/4, với bác, và những người chưa từng qua quân ngũ thời chống Mỹ, có lẽ chỉ đơn thuần là một ngày lễ. Nhưng với vợ chồng em thì đặc biệt vô cùng. Vợ em là cựu thanh niên xung phong đoàn 559, có công mở con đường Trường Sơn qua vùng quê nhà bác đấy. Còn em, lính đặc công miền đông Nam bộ. Bởi vậy, với vợ chồng em, ngày 30/4 còn là ngày chúng em quy ước làm giỗ chung cho tất cả đồng đội đã nằm lại ở chiến trường. Năm nào cũng thế, cứ ngày này, giàu nghèo gì thì chúng em cũng làm một mâm cỗ, có thịt chó, có lòng lợn, và cả canh cua rau đay… những thứ mà đồng chí, đồng đội mình vẫn thường mơ ước trong những đêm chiến trường thưa tiếng súng.

Tình nghĩa giữa những người cùng chung chiến hào, với lính tráng chúng em, đáng trọng hơn mọi thứ ở trên đời. Vợ chồng em làm cơm cúng đồng đội ngày 30/4, có người biết chuyện, bảo: “ông bà vẽ chuyện, việc đó là của ngành thương binh xã hội, đâu đến ông bà phải lo.” - Họ cạn nghĩ, em chả trách làm chi.

Ngày 30/4 năm ấy, em vào đến Sài Gòn nhìn cờ hoa rợp trời, nhìn mặt người phơi phới, vừa vui đấy, lại đã thấy nước mắt trào ra. Cứ nghĩ đến những đồng đội của mình đã không kịp sống để chứng kiến ngày chiến thắng lại cảm thấy cứ như mình có lỗi. Đọc báo, nghe đài sau này, thấy bảo nhiều cựu chiến binh Mỹ gặp hội chứng chiến tranh, em nghĩ đó đâu phải bệnh riêng của cựu binh nước Mỹ. Chúng em cũng hội chứng, nhưng chỉ không ai quan tâm mà thôi. Hồi mới giải phóng, em về quê, thấy xã hội ưu ái anh bộ đội quá chừng, cái gì cũng ưu tiên. Đầu tiên em thấy tự hào, thấy những thứ ưu ái mà mình được hưởng là xứng đáng. Song, ngày em cưới mẹ cái Mùa, dành cả một tháng sau đám cưới để đi thăm gia đình những người bạn đã hi sinh, vợ con họ phần nhiều là nheo nhóc, chợt thấy có điều gì đó bất nhẫn khi mình được ưu ái. Đó cũng là một hội chứng chứ, bác nhỉ?

Lên Hà Nội làm xe ôm. Có một điều cứ trông thấy hàng ngày khiến lòng em gợn gợn mà chẳng biết ra làm sao. Đó là chuyện có những anh chạy xe ba gác, lại đeo thêm cái biển 27/7 để chở hàng cồng kềnh, thậm chí chở thuê hàng buôn lậu. Vâng, anh là thương binh, anh có cống hiến cho đất nước. Nhưng thử hỏi cả đất nước này ai là người không có phần cống hiến. Sự cống hiến của mỗi người một cách, và sự đền ơn đáp nghĩa của cộng đồng cũng có những thang bậc khác nhau.

Nhưng cậy mình có cống hiến mà trương cái biển đó để bỏ qua luật pháp chẳng phải là phụ lại những hi sinh của đồng chí, đồng đội mình hay sao? Cái ý nghĩ lợn cợn đó, em chẳng biết nói ra như thế nào, nhưng khi gặp những cảnh như vậy, nhìn vào mắt bác là em biết bác cũng nghĩ như em. Có điều, biết em là cựu chiến binh nên bác chẳng nói ra. Bây giờ, trong ngày giỗ đồng đội của em, em cũng muốn chia sẻ điều này cùng với bác. Nói để bác tỏ rằng, thật ra, em cũng hiểu bác nhiều hơn là bác tưởng, anh em mình cũng chẳng giận nhau mà làm gì.

Em với bác bây giờ cũng như là cùng chung chiến hào rồi còn gì, cùng làm xe ôm vì tương lai của con cái, bác nhỉ! Thôi thì vất vả, thôi thì nghèo khó, nhưng dẫu sao em cũng muốn chúng ta giữ được cái tình của những người đồng đội, bác nhé!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên