Người dân chết oan- ai chịu trách nhiệm?

Khi người dân thực hiện đầy đủ trách nhiệm công dân của mình, nếu như không được hưởng phúc lợi một cách tốt nhất thì ít ra cũng được quyền yên tâm về sự an toàn của mình.  

Hà Nội ngày 1/10/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Lại thêm một đứa trẻ nữa chết vì trời mưa, ở thành thị bây giờ mạng sống thật mong manh, mẹ nó à! Trong vòng một tháng có tới hai vụ trẻ em chết vì điện giật lúc trời mưa. Chuyện xảy ra ở TP. HCM, không phải Hà Nội, nhưng không có nghĩa là ở Hà Nội thì vô lo. Sự rò rỉ của hệ thống điện ở các thành phố, chẳng ai có thể nói trước được điều gì khi mùa này mưa bão liên miên.

Mẹ nó có biết không, sau hai vụ chết người liên tiếp vì điện giật trên đường phố, người ta mới hoảng hồn bàn đến các giải pháp phòng ngừa. Thực ra, những chuyện như thế vẫn lẻ tẻ xảy ra ở nhiều nơi chứ chẳng riêng gì TP. HCM. Nhưng, sau mỗi cái chết thương tâm, cuối cùng thì chẳng đơn vị nào chịu trách nhiệm cả. Bởi vì có rất nhiều nguyên nhân.

Một em bé lội nước về nhà sau cơn bão số 9 ở thành phố Huế (Ảnh: Lê Kim Hải)

Ở thành phố, công việc lại suốt ngày lông nhông trên đường nên tôi biết nguy cơ rò điện có rất nhiều. Đường điện chiếu sáng, đường điện tín hiệu giao thông, điện lưới, rồi điện dân sinh... chẳng ai có thể kiểm soát được vì nó loằng ngoằng chồng chéo khắp nơi. Dây điện đi trên không bị đứt, hở do tác động của thời tiết, dây điện đi ngầm bị đứt do đào đường... mưa xuống, đường ngập, người dân có thể bị giật ở bất cứ chỗ nào trên đường phố.

Bởi vậy, mỗi khi trời mưa là tôi lại vội vã về nhà trọ, khách trả cao đến mấy cũng chẳng dám đi. Tôi chỉ nghĩ mình có mệnh hệ nào thì thiệt vợ, thiệt con. Nghề nghiệp tự do, bảo hiểm thì không có, mình mà thiệt thân thì chẳng ai bồi thường. Bác giáo Bình biết tôi có ý đó, cứ cười. Bác ấy bảo: “Chú mang tiếng là cựu bộ đội đặc công, ngày xưa xông pha hòn tên mũi đạn chẳng sợ, giờ lại sợ trời mưa!”

Tôi quen cái giọng khiêu khích của bác ấy rồi, nhưng vẫn cứ nói cho bác ấy biết: “Xưa em có hy sinh thì ít ra vợ con còn tự hào mình vì dân vì nước, còn biết phải căm thù quân xâm lược dã man. Giờ em bị điện giật, có khi lại còn mang tiếng chết vì tham, mà thiệt thân rồi thì cũng chẳng biết lỗi tại ai.” - “Chú nói lạ! Đường dây của đơn vị nào rò rỉ thì đơn vị ấy phải chịu trách nhiệm! Sao nói là chẳng biết lỗi tại ai?”

Tôi chẳng buồn cãi, bác giáo lười đọc báo nghe đài, bao nhiêu vụ chết người đã xảy ra, có đơn vị nào đứng ra xin lỗi người dân đâu? Tôi không biết quy trình quản lý đô thị ra sao, nhưng mà tôi chỉ nghĩ cái đạo lý nó rõ ràng UBND các thành phố, được người dân bầu ra để chăm lo những vấn đề dân sinh của thành phố đó thì phải có trách nhiệm. Khi người dân sống trong thành phố, thực hiện đầy đủ trách nhiệm công dân của mình như đóng thuế, rồi bầu cử... nếu như không được hưởng phúc lợi một cách tốt nhất thì ít ra cũng được quyền yên tâm về sự an toàn của mình.

Khi người dân có thể chết bất cứ lúc nào trên đường phố, nếu người đứng đầu thành phố hiểu đạo lý, ý thức được trách nhiệm của mình, ít ra thì cũng phải lên phát thanh, truyền hình, báo chí để xin lỗi nhân dân vì chưa hoàn thành trách nhiệm của mình. Một tháng có hai đứa trẻ thiệt mạng vì hệ thống điện công cộng thiếu an toàn, tôi chưa thấy ông Chủ tịch thành phố xin lỗi nhân dân. Rõ ràng người ta chưa nhận ra là mình có lỗi! Vậy thì lỗi tại ai? Đường điện bị hở là của công ty chiếu sáng. Công ty chiếu sáng đổ tại việc thi công đào đường của công ty thoát nước. Công ty thoát nước không nói gì... Thế là thôi!

Mẹ nó biết không, tôi xem phim ngày xưa, thấy có chuyện nhà vua tuần du đến các địa phương, ở đâu phát hiện ra dân đói, dân oan, ở đấy quan phủ phải chịu tội cái đã, lỗi ở khâu nào thì tra xét sau, trước hết trách nhiệm phải thuộc người đứng đầu. Khi người đứng đầu thấy người dân chết vì điện giật mà lặng im, tôi cho rằng thế là thiếu trách nhiệm.

Tôi phát biểu như thế, bác giáo Bình phản đối. Bác ấy cho rằng trách nhiệm quản lý xã hội được phân cấp cụ thể rồi, ai sai người nấy chịu, người đứng đầu nào có thể gánh vác được tất cả mọi vấn đề? Bác ấy phân tích rằng, một thành phố có một ông chủ tịch để phụ trách chung, ngoài ra có đến mấy ông phó chủ tịch, mỗi người phụ trách một vấn đề, mà mỗi vấn đề có những ban ngành chuyên trách... Việc rò điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau, dĩ nhiên phải đợi đến khi tìm ra ai là người chịu trách nhiệm chính mới có thể bắt người ta xin lỗi nhân dân chứ!

Tôi nghe, thấy bác ấy hiểu nhiều, biết rộng nhưng mọi thứ đều cứ mù mờ làm sao ý. Chuyện phân cấp là chuyện của tổ chức, người dân làm sao mà biết được tận tường, chỉ biết ông chủ tịch là người chịu trách nhiệm cao nhất về các vấn đề dân sinh của thành phố. Khi đời sống của người dân bị đe doạ, không còn sự an toàn thì ông chủ tịch cứ phải là người đầu tiên xin lỗi nhân dân và nhận trách nhiệm.

Còn lại việc quy trách nhiệm và giải quyết hậu quả cho ai là việc riêng trong bộ máy của các ông ý. Có lẽ chính vì không chịu hiểu vấn đề như vậy nên các vụ điện giật vẫn cứ thế mà xảy ra, rồi lại tiếp tục xảy ra, mẹ nó nhỉ!./.         

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên