Người nông dân đã không bị bỏ rơi
Tôi cũng hình dung được cái lẽ đời “dĩ cùng tắc biến”, tôi cũng hiểu lời cổ nhân rằng “bần cùng sinh đạo tặc”. Bởi vậy, tôi cũng chỉ mong sao các vị lãnh đạo ở tất cả mọi địa phương đều sát sao như ông Bí thư Hà Nội...
Hà Nội ngày 18/6/2009
Gửi mẹ cái Mùa.
Thế là hôm nay tôi đã có câu trả lời về số phận Trạm tinh bò Môncađa cho mẹ nó rồi. Gớm, mấy hôm trước, đọc thư của mẹ nó, tôi cũng sốt ruột, theo dõi báo chí không sót ngày nào. Vẫn biết chẳng liên quan gì đến mình, nhưng cứ nghĩ đến việc trạm giống bò duy nhất của cả nước bị lấy đất làm sân gôn thì lại thấy chạnh lòng. Chẳng lẽ chẳng còn ai lo lắng đến tương lai của người nông dân nữa hay sao?
Ngày 13/6 vừa rồi, đích thân ông Bí thư Thành ủy Hà Nội đã phải đi thị sát. Mục sở thị rồi, ông ấy tuyên bố: Không lấy đất của Trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môncađa làm dự án Khu du lịch cao cấp Tản Viên. Mẹ nó ạ, lời tuyên bố này thực sự đã khiến tôi cảm động rớt nước mắt. Phải thế chứ! Trạm nghiên cứu Môncađa là nơi duy nhất nghiên cứu để cho ra đời nguồn giống tốt nhất phục vụ việc chăn nuôi bò của bà con nông dân ta. Để có trạm nghiên cứu này, các nhà khoa học đã mất bao công lao khảo sát mới chọn được một địa điểm lý tưởng như vậy.
Lại nữa, bao công lao tiền của để cả vùng đồi núi hoang vu trở thành một bình nguyên tươi xanh như ngày nay. Thế mà suýt nữa, đùng một cái, trạm giống bị thu hồi để biến thành sân gôn cho mấy ông nhà giàu cầm gậy nhởi chơi. Nói dại, nếu không có báo chí quyết liệt lên tiếng, nếu ông Bí thư Thành ủy không sát sao tìm hiểu, tôi tin rằng số phận trạm giống Môncađa đi đời là cái chắc!
Nhà mình thì chẳng nuôi bò, cái trạm giống mất đi chắc chẳng trực tiếp ảnh hưởng gì. Nhưng mà nếu chuyện đó xảy ra, ai bảo những bờ xôi ruộng mật khác có thể tồn tại được? Mất hàng ngàn năm cha ông ta mới biến đất hoang thành ruộng đồng. Thế mà chỉ mấy năm vừa qua thôi, bao nhiêu cánh đồng đã thành khu công nghiệp, khu đô thị, rồi sân gôn, rồi thiên đường nọ kia… Nông dân chúng ta thì mất đất sản xuất, mất công việc làm ăn… trong khi đó, những khu công nghiệp không đem lại việc làm phù hợp cho con em chúng mình, những thiên đường nọ kia, những sân gôn, những khu đô thị… người nông dân chỉ có nằm mơ mới có cơ hội để hưởng thụ. Tôi chẳng cực đoan đến nỗi nghĩ rằng tương lai bà con mình sẽ mãi chỉ gắn với ruộng đồng. Tôi cũng biết rằng cần phải có sân gôn, cần có khách sạn 5 sao để thu hút khách du lịch…
Tuy nhiên, đã là xã hội thì cần có sự hài hòa. Bao nhiêu sân gôn là đủ, còn bao nhiêu đất đai phải dành cho người dân cày cấy. Bác giáo Bình bảo rằng: Đất đai là tài nguyên, dĩ nhiên làm sao phải khai thác cho hiệu quả cao nhất. Có thể các sân gôn sẽ sinh lợi nhiều hơn là đồng lúa. Song, các thành phần trong xã hội đều cần sự bình đẳng trong việc tiếp cận tài nguyên. Đất nước ta có bao nhiêu người đủ khả năng khai thác và làm giàu nhờ sân gôn? Bao nhiêu người chỉ có thể sử dụng đất đai để nuôi trồng, cấy hái? Khi mất đi cơ hội tiếp cận tài nguyên, người nông dân sẽ trở thành đối tượng yếu thế trong xã hội. Khả năng bần cùng hóa, rồi lưu manh hóa là những hệ quả tất yếu sẽ xảy ra…
Mẹ nó à, tôi không nghĩ sâu xa được như bác giáo Bình, nhưng tôi cũng hình dung được cái lẽ đời “dĩ cùng tắc biến”, tôi cũng hiểu lời cổ nhân rằng “bần cùng sinh đạo tặc”. Bởi vậy, tôi cũng chỉ mong sao các vị lãnh đạo ở tất cả mọi địa phương đều sát sao như ông Bí thư Hà Nội. Chỉ có như thế thì mới không xảy ra chuyện tài nguyên của đất nước chỉ tập trung trong tay một số người. Bởi vậy, khi nghe chuyện trạm giống Môncađa không biến thành sân gôn, tôi chỉ muốn biên thư ngay cho mẹ nó. Người nông dân đã không bị bỏ rơi, mẹ nó nhỉ?./.