Người Việt "vơ dừn" 2
Khi sản xuất một thứ hàng hóa nào đấy, cùng nhãn mác, nhưng bao giờ doanh nghiệp cũng có một loại cho người thành phố, một loại cho người nhà quê chúng mình.
Hà Nội, ngày 7/6/2009
Gửi mẹ cái Mùa
Tôi mới học được một từ mới để gọi mẹ con bà. Đó là “người Việt vơ dừn 2”. Cái chữ “vơ dừn” ấy, thằng con bác giáo Bình bảo “có nghĩa là phiên bản 2, loại 2”. “Người Việt vơ dừn 2” là người Việt loại 2 ấy. (version)
Tôi nói mẹ nó đừng tự ái, người nhà quê chúng mình bây giờ được nhiều doanh nghiệp đánh giá là người loại 2 đấy. Khi sản xuất một thứ hàng hóa nào đấy, cùng nhãn mác, nhưng bao giờ họ cũng có một loại cho người thành phố, một loại cho người nhà quê chúng mình.
Mẹ nó còn nhớ hồi năm ngoái đã có chuyện ầm ĩ về kẹo bột đá dành cho người nhà quê. Bây giờ, hãng bột canh Hải Châu danh tiếng mà nhà mình vẫn hay mua về ăn cũng phân loại cụ thể lắm! Các nhà báo ở Đài TNVN nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc có sản phẩm “Bột canh ngon I-ốt Hải Châu” nhưng giá cả thì khác xa so với loại bột canh truyền thống của Hải Châu.
Nhà báo mang thắc mắc ấy đến công ty thì nhận được câu trả lời, rằng: Công ty có sản xuất một loại bột canh cũng mang tên như vậy nhưng giá thấp, dành cho đối tượng thu nhập trung bình, đang được tiêu thụ thí điểm ở khu vực nông thôn Bắc Trung bộ. Chuyện kẹo bột đá ngày xưa, bảo là do tư nhân sản xuất, họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận nên mới làm thứ kẹo như vậy để bán rẻ cho người nhà quê. Còn Hải Châu bây giờ thì khác, công ty quốc doanh hẳn hoi, thế mà cũng tự làm giả hàng hóa của chính mình. Thế là làm sao?
Mẹ nó có biết không? Bác giáo Bình nghe tôi thắc mắc như vậy thì cười khẩy: “Chú thì vẽ chuyện, nếu người ta không làm thế, nông dân như vợ chồng chú lấy tiền đâu mà ăn bột canh, rồi lại thiếu I-ốt đến cả mấy đời!”. Tôi cãi: “Thì em đâu có phản đối hàng giá rẻ. Nhưng mà sao không làm một loại hàng khác, mang nhãn mác khác, cớ gì lại dùng chung một nhãn mác mà chất lượng khác nhau?”
Nghe người lớn tranh luận, thằng cu nhà bác Bình nói leo vào: “Các cụ buồn cười thật, vấn đề là thương hiệu. Cái tên nổi tiếng rồi, dại gì mà thay đi. Sản phẩm tiêu dùng hiện đại có “vơ dừn 1”, “vơ dừn 2” tên không đổi, chỉ đổi một ký hiệu thôi” - Nó giải thích mãi tôi mới hiểu cái nghĩa của từ “vơ dừn”.
Thế nhưng tôi chẳng hiểu nổi thứ triết lý kinh doanh hiện đại đó. Tôi nghĩ đã làm ăn đàng hoàng thì phải minh bạch, loại hàng hóa nào phải rõ ràng là hàng hóa đó, không để người tiêu dùng nhầm lẫn mới phải. Cùng một sản phẩm, cùng một tên gọi, bán cho người thành phố cái “vơ dừn 1”, người nhà quê cái “vơ dừn 2”, như thế khác nào coi người Việt Nam ở thành phố là “người Việt vơ dừn 1”, còn người nhà quê là “người Việt vơ dừn 2”?
Giả dụ bây giờ tôi gọi mẹ con bà là “người Việt vơ dừn 2” thì sao nhỉ? Nếu như mẹ nó nghe mà không tự ái thì từ nay tôi không cãi nhau với bố con bác giáo Bình nữa, phải tâm phục khẩu phục mà thôi./.