Nỗi buồn Hồ Gươm…

Hồi đó, hồ còn sâu, người ta vẫn còn lướt sóng, còn đua thuyền được. Bây giờ, tôi thấy bảo mực nước chỉ còn chưa đầy mét, đã thế lại ô nhiễm nặng nề, đến thò tay xuống nước thôi mà người ta còn sợ, nữa là lướt ván.  

Hà Nội, ngày 15/6/2009
Gửi mẹ cái Mùa…

Tôi nhớ không nhầm thì cũng phải ba chục năm rồi mẹ nó chưa lên Hà Nội nhỉ? Hồi đó sắp cưới nhau, tôi đưa mẹ nó lên chợ Đồng Xuân để sắm sửa, đúng vào dịp 2/9. Bao nhiêu năm rồi, thế mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy mẹ nó kể cho các con cái cảnh các cô gái Hà Nội lướt ván ở Hồ Gươm ngày Quốc khánh, rồi thỉnh thoảng lại hỏi tôi “không biết bao giờ lại có dịp thăm lại Hồ Gươm?”.

Mẹ nó à, từ ngày lên Hà Nội làm xe ôm, lần nào đi qua Hồ Gươm tôi cũng nhớ đến cái ngày đó, nhưng chẳng biết tả Hồ Gươm bây giờ ra sao cho mẹ nó khỏi buồn. Hồi đó, hồ còn sâu, người ta vẫn còn lướt sóng, còn đua thuyền được. Bây giờ, tôi thấy bảo mực nước chỉ còn chưa đầy mét, đã thế lại ô nhiễm nặng nề, đến thò tay xuống nước thôi mà người ta còn sợ, nữa là lướt ván. Hôm nay, tôi đọc báo thấy người ta tranh cãi chuyện nạo vét lại Hồ Gươm, chợt muốn tâm sự cùng mẹ nó.

Chuyện là có một dự án, sử dụng công nghệ hút bùn hiện đại để nạo vét Hồ Gươm. Nghe nói công nghệ này hiện đại lắm, hút bùn mà không gây xáo trộn gì. Bùn được hút, ép ngay trong máy thành dạng bánh, rồi chuyển đi. Cái dự án này, nghe qua tôi đã thấy vui rồi. Gì thì gì, một cái hồ thì đầu tiên cũng phải có nước, và nước phải sạch. Chính vì vậy, tôi không hiểu vì sao bao nhiêm năm nó ô nhiễm, nó là nơi chứa bùn mà đến tận bây giờ người ta mới nạo vét.

Bây giờ, đọc báo, thấy người ta tranh luận tôi mới hiểu. Hóa ra người ta sợ ảnh hưởng tới đời sống các cụ rùa đang sinh sống trong hồ. Rồi người ta sợ hơn 120.000m3 bùn hút lên sẽ được đưa đi đâu, làm gì? Đầu tiên tôi muốn nói đến cái chuyện bùn. Các nhà khoa học bảo rằng chất lượng bùn ở Hồ Gươm không phù hợp để làm phân sinh học, cũng không phù hợp để làm đất nông nghiệp.

Đọc đến đoạn này, tôi buồn cười quá đi mất, mẹ nó ạ! Bùn hút lên đã được vắt khô, ép thành dạng bánh thì làm gì không có chỗ đổ, bao nhiêu nơi đang cần san nền, sử dụng tốt quá đi chứ lị, chẳng hiểu người ta băn khoăn để làm gì? Còn chuyện các cụ rùa, đúng là cũng đáng băn khoăn thật. Nhưng, chuyện này người ta cũng băn khoăn mãi rồi còn đâu? Bảo rằng dự án nạo vét hồ chưa có phương án bảo vệ đàn rùa, nhưng dẫu có hay không có dự án nạo vét hồ thì đàn rùa cũng có được bảo vệ đâu? ở Hà Nội có ông giáo sư nổi tiếng lắm, được mệnh danh là “nhà rùa học”. Suốt ngày tôi thấy ông ấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để bày tỏ nỗi băn khoăn về các cụ rùa. Song, như thế nào là môi trường sống phù hợp cho các “cụ”? Và trên thực tế, cái hồ ô nhiễm như thế, các “cụ” ấy sống như thế nào, có sinh sản được hay không? Chẳng bao giờ thấy vị giáo sư ấy đề cập.

Tôi chẳng dám bàn sâu về lĩnh vực chuyên môn của các ngài ấy. Tôi chỉ thấy rằng, cái hồ đầu tiên phải là một cái hồ, nó chỉ có giá trị khi không bị ô nhiễm, khi mà nó có thể được sử dụng, để người ta có thể dạo chơi, sinh hoạt xung quanh mà không cần bịt mũi, để người ta có thể lướt ván, đua thuyền như ngày xưa vợ chồng mình từng thấy. Vậy thì cần phải nạo vét để cải tạo cho sạch sẽ. Còn bùn đi đâu chỉ là chuyện thứ yếu.

Về các cụ rùa, dĩ nhiên nếu có một giải pháp nào giúp các cụ sống tốt hơn thì quả là tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi dám chắc một điều, các cụ sẽ sống tốt hơn trong một môi trường nước hồ không ô nhiễm, dẫu thế nào thì cũng còn hơn cái thứ nước hồ như hiện nay. Tôi hy vọng rằng các nhà khoa học không nghĩ quẩn để Hồ Gươm mau sạch, lúc đó tôi sẽ đón mẹ nó lên xem như 30 năm về trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên