Phải biết nhận lỗi

Phải chăng khi nhận cái lỗi của mình thì người ta cảm thấy danh dự bị tổn hại?  

Ngày 29/4/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Bác giáo Bình ổi ương lắm cơ, mẹ nó ạ. Suốt mấy hôm rồi, tôi nhất định không nói năng gì cho đến khi bác ấy phải xin lỗi cái chuyện hôm trước. Bác ấy cũng muốn làm lành. Buổi chiều về sớm nấu cơm, lại còn mua mấy lạng vó bò về cho tôi uống rượu. Nhưng mà, xin lỗi thì nhất định là không.

Miên man nghĩ về bác giáo Bình với cái lời xin lỗi không thể nói ra, chợt nhận thấy hình như trong đời mình, tôi cũng rất khó khăn để nói lời xin lỗi. Còn nhớ, hồi mới lấy nhau, mẹ nó tham gia hội phụ nữ xã, đi họp tối thường có cái anh Hoạch bí thư đoàn đưa về tận ngõ làm cho tôi ghen bóng ghen gió, xé tan cả mấy cái bằng khen của mẹ nó. Về sau, khi tôi biết anh bí thư đoàn là người ái nam ái nữ, biết mình giận oan mẹ nó, muốn nói một câu xin lỗi mà lần lữa mãi, đến giờ bốn mặt con với nhau rồi mà đã thực hiện được đâu.

Chuyện giữa tôi và mẹ nó ngày xưa, chuyện bác giáo Bình với tôi bây giờ, dẫu sao cũng chỉ là quan hệ giữa các cá nhân, nhận ra lỗi lầm của mình là được rồi. Nhưng, mấy hôm vừa rồi đài báo đưa tin trên 60% tuyến đường của Hà Nội có nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn, người dân Thủ đô 100% mắc các bệnh về đường hô hấp. Để xảy ra tình trạng như vậy mà không thấy vị lãnh đạo nào của thành phố đứng ra xin lỗi người dân.

Nguyên nhân chính gây ra bụi là 95% xe tải chạy trên phố không có che chắn, như thế rõ ràng là cảnh sát môi trường, là giao thông công chính không làm hết trách nhiệm của mình. Thế mà cũng chẳng ai xin lỗi người dân. Tại sao nhỉ?

Phải chăng khi nhận cái lỗi của mình thì người ta cảm thấy danh dự bị tổn hại? Tôi xem ti vi, thấy ông Thủ tướng Nhật, rồi cả mấy vị Bộ trưởng vẫn đặt tay trước ngực, cúi rạp mình để xin lỗi nhân dân khi chính sách của họ làm tổn hại đến dân chúng. Ai bảo là người Nhật không trọng danh dự? Để bảo vệ danh dự của mình, họ còn tự mổ bụng cơ mà...

Mẹ cái Mùa có nhớ, sinh thời Thầy tôi vẫn hay kể chuyện hồi cải cách ruộng đất. Thầy tôi khi đó phải trốn ở dưới ao, ngậm hai cái ống sậy, một để thở, một để U tôi đổ nước cháo cầm hơi. Khốn khổ như vậy, nhưng khi nghe Bác Hồ thay mặt Đảng xin lỗi nhân dân, Thầy tôi như sống lại, lòng tin Đảng, tin Bác Hồ lại dâng trào hơn trước. Thế nên năm 71, khi vừa nhận giấy báo tử của anh Cả, anh Hai tôi từ miền Nam gửi ra, Thầy tôi vẫn khuyến khích tôi lên đường tòng quân đánh Mỹ.

Đêm trước khi tôi lên đường, Thầy tôi tâm sự: “Hồi cải cách ruộng đất, nhờ Bác Hồ nhận ra sai lầm mà xin lỗi nhân dân thì cha con mình mới còn sống đến ngày hôm nay. Cái đức ấy của Bác, xương máu của cả nhà mình chẳng báo đáp nổi.” – Chỉ một lời xin lỗi của Bác mà giá trị lớn lao như vậy. Nói thì đơn giản, nhưng đúng là chỉ có những nhân cách lớn mới có thể làm được. Vì vậy, dẫu bác giáo Bình không xin lỗi, có lẽ tôi cũng chẳng nên giận nữa mà làm gì, mẹ nó nhỉ?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên