Tất cả là vì cái sự tham…

Bây giờ, khi chức vụ vào tay, họ coi như đó là cái lộc của mình nên chỉ tìm cách để lợi dụng nhằm vinh thân phì gia. Ôi chao, đấy đâu phải bệnh riêng của người nông dân?  

Ngày 23/4/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Tôi giận bác giáo Bình quá đi mất thôi, mẹ nó ạ! Từ ngày lên phố đến giờ, tôi chỉ coi có mỗi bác ấy là người thân, thế mà giờ chẳng còn muốn nhìn cái mặt ấy nữa.

Mẹ nó đừng vội trách Cả Chiêm tôi nóng nảy với hồ đồ. Mẹ nó nghe tôi kể lại cũng phải giận cho mà xem. Ai lại bác ấy nghe chuyện ở những đâu đâu mà về nhà trọ cứ xơi xơi vào mặt tôi: “Mấy anh nông dân nhà chú, muôn đời không hết cái sự tham!” - Trời thì nóng cứ như phát rồ, muỗi bọ vo ve khắp nhà đã đủ điên dại rồi, lại còn thêm anh giáo già mất dạy (không còn dạy học nữa) chọc đểu vào thân thế sự nghiệp nông dân của mình. Chắc lần đầu thấy tôi trừng mắt lên nhìn, bác ấy giật mình, biết lỡ miệng, vội đưa tờ báo cho tôi xem. Thấy cái sự cuống quýt tội nghiệp của bác ấy, tôi cũng nén cục giận vào lòng, giở tờ báo xem.

Lý do để bác giáo Bình phẫn nộ với “mấy anh nông dân”, thì ra, lại vẫn là chuyện mấy ông quan xã khai gian, khai khống thiệt hại để lấy tiền hỗ trợ của Nhà nước. Cái trận đại hồng thuỷ ở Hà Nội hồi năm ngoái chắc mẹ cái Mùa vẫn nhớ. Để giúp bà con phục hồi, chính quyền thành phố đã quyết định chi hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Lợi dụng chính sách đó, không ít địa phương đã tranh thủ khai gian khai khống mức độ thiệt hại. Ví dụ như xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, người ta báo cáo những 112 căn nhà bị sập đổ hư hỏng, thế mà khi kiểm tra chỉ có duy nhất một trường hợp. Cũng ở huyện Chương Mỹ, tại xã Đồng Lạc người ta còn trắng trợn bịa ra hơn 600 con lợn nái bị chết vì nước lụt. Mẹ nó ạ, xưa nay tôi cũng là người ghét cay ghét đắng cái sự ăn không nói có. Nhưng mà, cái nhà bác giáo Bình vơ đũa cả nắm, bảo rằng cái sự tham là cố tật của người nông dân, làm sao tôi phục cho được.

Khai gian, khai khống để lấy tiền hỗ trợ, tiền đền bù… tôi đồng ý không còn là một hành vi cá biệt, đành rằng chuyện đó đã trở thành một thứ tệ nạn. Song, vấn đề không phải cái sự tham của người nông dân. Ngày xưa, hồi tôi đi bộ đội, ai dỡ cả nhà lim để làm đường cho xe tăng vượt lầy, ai hiến đất cho du kích gài hầm chông chống càn, chẳng phải là nông dân hay sao? Mấy ông quan xã ăn gian, ăn bẩn không thể coi là tham, mà là nhẫn tâm. Tiền hỗ trợ không phải từ trên trời rơi xuống, mà là tiền của đồng bào họ đổ mồ hôi, xương máu làm ra mà đóng góp cho ngân sách. Ăn đó là ăn mồ hôi xương máu của đồng loại. Đó là cái sự ăn của loài thú chứ chẳng phải loài người.

Bác giáo Bình vơ đũa cả nắm, gán cái thú tính ấy cho người nông dân, làm sao tôi chịu nổi. Là người có chữ, hẳn bác ấy phải biết rằng, nguyên nhân dẫn đến mấy cái chuyện ăn bẩn này là do đâu chứ. Thời trước, khi mà người làm cán bộ, từ nhỏ đến to đều lấy mình làm tấm gương cho người dân, họ đâu có nghĩ đến những đồng tiền gian lận. Ăn vào người nó sinh bệnh ra ấy chứ! Bây giờ, khi chức vụ vào tay, họ coi như đó là cái lộc của mình nên chỉ tìm cách để lợi dụng nhằm vinh thân phì gia. Ôi chao, đấy đâu phải bệnh riêng của người nông dân? Nếu bác giáo Bình mà không xin lỗi tôi cho tử tế, tôi thề không thèm nhìn mặt bác ấy nữa. Mẹ nó có đồng ý với tôi không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên