Tết đến rồi!
Năm nay, bu nó đừng mua sắm gì nhé. Tôi sẽ “dinh” cả cái Tết về nhà. Chỉ tua một vòng là có tất cả. Năm nay nhà mình sẽ ăn Tết to.
Thế là lại một cái Tết nữa đến. Nhưng đâu phải quy luật của ông giời. Bu nó chắc còn nhớ chỉ mấy tháng trước đây thôi, trận mưa trái mùa làm Hà Nội ngập trong biển nước. Rồi triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh, rồi Vêđan “giết” sông Thị Vải. Rồi còn bao nhiêu tai ương. Giá cả hỗn loạn. Xăng lên vùn vụt. Tôi những tưởng phải bỏ nghề xe ôm. Bao nhiêu người đinh ninh năm nay không khéo mất Tết. Vậy mà rồi như có phép thần thông. Lạm phát đã bị đẩy lùi. Xăng liên tục giảm giá. Đời sống của người dân ở những vùng thiên tai dần được ổn định. Đấy đâu phải quy luật của đất trời. Phải nói ông Chính phủ nhà mình tài thật! Con cháu cụ Hồ giỏi thật! Khó khăn thế nào cũng xoay chuyển được. Trong khi khắp nơi trên thế giới đều bung bét cả. Bu nó cứ bật đài, mở tivi ra mà xem. Ngày nào cũng loạn lạc, máu chảy. Gần mình như anh Thái Lan cũng náo loạn. Thủ tướng thay liên tục, mà dân đâu đã yên. Một cường quốc du lịch mà khách du lịch chạy mất dép. To kễnh nghênh ngang đến như cái lão Mỹ mà cũng khốn đốn. Có ngân hàng sập tiệm. Đến cả một công ty hàng đầu cũng đã tuyên bố phá sản. Rồi ít-xì-ra-en, Pa-lét-xờ-tin bắn nhau bùm bùm. Nhìn rộng ra khắp năm châu bốn biển như thế mới thấy quý cái bầu không khí thanh bình, yên ổn nước mình. Vừa rồi, ta lại vô địch bóng đá Đông Nam á. Một biển cờ đỏ rực đêm Hà Nội. Đây không chỉ là chuyện bóng đá đâu bu nó ạ. Vận nước đang lên đấy. Hào khí Đông A hiện hình đấy. Mấy ông Tây ba lô đến Việt Nam sướng lắm. Họ bảo đây mới chính là thiên đường. Một thiên đường có thật ở ngay trên mặt đất.
Tôi đã chở mấy ông mắt xanh mũi lõ như thế đi ngắm thiên đường. Có lão còn ăn thịt chó mắm tôm, nói tiếng Việt như ma xó. Họ bảo ở Việt Nam cái gì cũng có. Quá khứ, tương lai cùng ngồi chung mâm. Có thể ngắm những tiện nghi hiện đại nhất thế giới, như vi tính, công nghệ siêu vi, lại cũng có thể thấy cả những công cụ thời tiền sử, như cái cuốc, cái cày chìa vôi vẫn đang nhí nhoáy trên đồng ruộng. Một ông giáo sư người Đức lại rất khoái tàu hỏa nước mình. Ông ấy khoe với tôi rằng, ông ấy đã hai lần sang thăm Việt Nam. Cả hai lần, ông đều xuyên Việt bằng tàu hỏa. Ông đi từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Chặng đường dài hơn ngàn cây số. Nếu ở nước Đức, tàu chỉ chạy ngót một đêm. Còn ở đây, con tàu cứ cà rịch, cà ràng chạy miết. Ông đọc hết cả một đống báo mang theo. Rồi lại ngủ. Lại đọc hết cả mấy cuốn tiểu thuyết. Rạng sáng ngày thứ ba, mở mắt ra, ông kinh ngạc thấy tàu vẫn lúc lắc chạy. Đến lúc đó thì ông bắt đầu thấy hoảng. Ông nghĩ là mình đã lên nhầm tàu. Không khéo con tàu này là tàu liên vận quốc tế. Biết đâu nó đã đến Trung Quốc rồi. Ông nhìn qua cửa sổ chắn bằng lưới sắt. Không có thảo nguyên, cũng không thấy đồng cỏ. Chỉ loi thoi mấy căn lều lợp bằng rơm rạ của dân du mục. Thế thì đích thị là vùng sâu, vùng xa của nước Mông Cổ rồi. Nghĩa là con tàu đã băng qua Trung Quốc. Vé đi Hà Nội sao lại sang Mông Cổ nhỉ? Ông tỏ vẻ ngạc nhiên. Mấy vị chung buồng cũng ngạc nhiên tưởng ông là người trên Sao Hỏa. Thế rồi mãi buổi trưa hôm sau nữa, con tàu mới về đến ga Hà Nội. Chỉ vượt có hơn ngàn cây số mà ông cứ đinh ninh mình đã chu du qua cả mấy nước châu Á.
“Phố cổ Hà Nội” - Tác phẩm đất nung của các nghệ nhân Bát Tràng
Cưỡi trên xe ôm của tôi, ông ấy lại bảo thích nhất ở Việt Nam là đi xe đạp. Chỉ cần bỏ ra hơn chục đô la là đã có cả một chiếc xe đạp rồi. Xe đạp luôn xịt lốp. Nhưng không sao. Xe xịt ở bất cứ chỗ nào thì cứ tạt vào rệ đường. Thế là lập tức ở đó sẽ có ngay một ông thợ bơm vá. Mà những ông thợ này rất đặc biệt. Họ không phải người thường đâu. Đấy là anh hùng trong những năm chiến tranh, những pho sử sống của cả một thời đại. Chỉ cần có một chiếc xe đạp là biết được bao chuyện. Nhưng tốt nhất là cứ để họ tự nói. Người Việt xởi lởi lắm, chẳng giữ được cái gì ở trong bụng. Nhưng mà đừng có hỏi. Nếu cứ tò mò hỏi, lập lức họ sẽ nghi ngay mình là thằng gián điệp. Người Việt vốn cảnh giác cao độ. Những đau khổ trong bao năm chiến tranh đã cho họ đức tính tỉnh táo này. Còn muốn ngắm toàn bộ đất nước Việt Nam, anh biết tôi thực hiện như thế nào không? Ông ấy hỏi tôi.
Chỉ đơn giản thôi! Lại xuôi một chuyến tàu từ Nam ra Bắc. Ông ta bộc bạch. Tàu Việt Nam đi rất chậm. Nó như con sâu đo, vừa đi vừa ngửi ngửi đánh hơi để tìm kiếm một cái gì đó ở dưới lòng đất. Ta có thể chụp ảnh phong cảnh. Mà bao nhiêu là phong cảnh. Núi rừng. Biển cả. Những ngọn tháp cổ. Những chòm xóm dân cư. Rồi những bãi chợ. Mà chợ Việt Nam rất lạ. Chợ di động. Tàu dừng lại là toa tàu thành ngay một cái chợ rồi. Người bán ào lên trao hàng. Rồi bán hàng qua khung cửa sổ. Có lần tàu đang đi, ông ta thấy “kịch” một tiếng ở trên nóc. Thế rồi một cái đầu người treo ngược ở khung cửa sổ. Vợ ông hốt hoảng rú lên. Tưởng phải chứng kiến một tai nạn khủng khiếp. Nhưng không. Một cái miệng toét cười. Hoá ra cậu bé bán hàng rong. Cậu ta nằm trên nóc tàu, rồi toài cái đầu xuống trao túi hoa quả và nhận tiền của khách mua hàng. Kinh doanh đến như thế thì khiếp thật. Dù chỉ làm một việc đơn giản, là đi bán dạo, nhưng cậu bé ấy cũng phải có cái tài ảo thuật của Cóc-pơ-phin (David Copperfield - ảo thuật gia nổi tiếng thế giới). Vui thật, bu nó nhỉ!
Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu./.