Thầy cô là tấm gương cho học sinh

Trong môi trường mô phạm, trước mặt học sinh, các thầy cô nên có những hành động và lời nói một cách đúng mực  

Hà Nội ngày 30/7/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Có chuyện này khiến tôi băn khoăn, biết có nên chia sẻ với mẹ nó hay không? Kể lại không khó, khó ở chỗ tôi cũng chẳng biết nên nghĩ về chuyện đó ra làm sao? Nghĩ mãi không ra, chẳng bằng để mẹ nó nghe rồi xem có ý kiến thế nào.

Chuyện xảy ra cũng mấy tháng rồi, ở một ngôi trường hàng huyện của Hà Nội. Đó là vào dịp 8/3, buổi chào cờ sáng thứ hai, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Để không khí ngày kỷ niệm thêm phần rôm rả, một anh giáo đứng lên trước toàn trường chuẩn bị một đôi lời có cánh dành cho đồng nghiệp nữ. Các cô giáo háo hức, gần 800 em học sinh cũng nghển cổ qua vai nhau đợi nghe lời vàng thầy tặng cô. Không khí ấy khiến anh giáo hứng khởi, cất giọng hót liền một hơi hết bài tấu hài với những lời lẽ đầy sự bôi bác, thậm chí là dung tục về chị em phụ nữ, như: “bọn chúng thế này, bọn chúng thế kia…”. Tất nhiên, học sinh thì ngỡ ngàng, còn các cô giáo thì cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Sau buổi “tôn vinh” chị em đó, nhiều giáo viên đã bức xúc phản ánh sự việc đến Sở Giáo dục - Đào tạo. Nhưng, đến nay, sự việc vẫn không hề được đoái hoài…

Mẹ cái Mùa yêu mến, nếu chỉ là câu chuyện kể cho vui, tôi đã chẳng băn khoăn như đã nói. Vấn đề là sau khi biết chuyện, tôi với bác giáo Bình đã tranh luận rất lâu. Bác giáo Bình mặt đỏ phừng phừng như lên cơn tăng huyết áp, cầm tờ báo Nông thôn Ngày nay đập phành phạch vào đầu gối “Hỏng, hỏng thật rồi! Thày giáo gì mà thế, sao còn giữ được sự tôn kính của học trò!” - Theo lệ, cứ khi bác giáo Bình nổi nóng là tôi nghĩ đến sự cực đoan của bác ta. Và theo thói quen, tôi phản biện “Chuyện có đáng gì mà bác nâng quan điểm như vậy. Anh giáo ấy cũng chỉ cốt mua vui thôi mà” - Bác giáo bảo: “Vui gì thì vui, các thầy cô chuyện gẫu quanh bàn trà thì được, trước mặt học sinh mà vui như thế, còn gì là tôn ti trật tự, còn gì là mô phạm…” - Bác giáo nói nhiều nữa, hết dẫn Khổng Tử đến Chu Văn An… toàn những bậc kinh điển về đạo đức.

Thói đời, khi nói dài, nói dai ắt phản tác dụng. Ban đầu, tôi cũng đồng cảm với bác giáo Bình rằng hành vi của anh giáo trường huyện là không hay, song khi bác giáo Bình dẫn quá nhiều kinh điển, tôi lại thấy bác ấy xem chừng cổ hủ. Thời đại bây giờ, thông tin ngóc ngách đời sống chỉ cần bật máy tính lên là có cả. Các thầy các cô mô phạm ở trường, ra đường cà trớn chẳng phải đạo đức giả hay sao. Ông thầy nọ đem tấu hài giễu các cô trước mặt học sinh, có khi là chủ đích, muốn các em thấy được hình ảnh thật của người thầy, các thầy cô không phải ông thánh bà tiên, họ cũng là con người, cũng có đủ ái ố hỉ nộ, và có thể chia sẻ mọi điều cùng các em… Tôi nói thế rồi, bác giáo Bình cũng nghệt ra một lúc, mãi sau mới nói: “Thế thì khi học trò đánh thầy giáo, trò hỗn, trò hư… dư luận còn bức xúc làm gì?”.

Mẹ cái Mùa biết không, nói ra câu ấy, bác giáo Bình lẳng lặng bỏ ra sân hút thuốc, lần đầu tiên sau bao ngày quen biết, bác ấy chẳng buồn tranh luận đến cùng với tôi nữa. Tôi biết bác ấy buồn vì cái đạo thầy - trò đã chẳng còn như xưa. Muốn an ủi bác ấy đôi lời, nhưng tôi còn biết nói làm sao? Thâm tâm, tôi không biết những điều tranh luận cùng bác ấy thực sự đúng hay sai. Mẹ nó bảo tôi nghĩ thế nào cho phải?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên