Thấy thương người Hà Nội
Trời nắng nóng, lại thêm mất điện do quá tải, người Tràng An thanh lịch cứ gọi là héo rũ cả ra, nhiều gia đình chấp nhận kéo cả nhà ra khách sạn ngủ, còn đa phần ra “dạo phố phường” đến quá nửa đêm mới về nhà
Hà Nội, ngày 12/6/2009
Gửi mẹ cái Mùa
Tôi viết thư này cho mẹ nó vào lúc 2h sáng, mấy mẹ con chắc đã ngủ say. Mẹ nó đừng vội nghĩ dớ dẩn, chẳng qua là tôi phải liên tục phục vụ người Hà Nội “trốn nóng”, tối về nhà trọ đếm tiền xong thấy ân hận nên mới không ngủ được, mới giãi bày với mẹ nó trên trang giấy trắng này.
Lần đầu tiên tôi thấy thương người Hà Nội. Mấy ngày nay, tối nào họ cũng đổ ra đường dồn đến các khu vực ven hồ, công viên. Cứ gọi là đông nghẹt. Địa điểm được nhiều người chọn nhất là khu vực Hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ. Thôi thì la liệt nam thanh, nữ tú, người già, người trẻ, và cả ông Tây bà đầm nữa…
Đàn ông quần soọc đã đành, còn đàn bà thì như càng trắng nõn ra khi diện áo thun 3 lỗ ra đường. Thương nhất là các chị có con nhỏ vừa vẹo sườn bế con, vừa mướt mồ hôi vì cứ liên tục phành phạch cái quạt giấy. Hời nhất là các quán trà đá vỉa hè, khách sạn… và cả cánh xe ôm như tôi nữa, tha hồ phục vụ kinh doanh.
Trời nắng nóng, lại thêm mất điện do quá tải, người Tràng An thanh lịch cứ gọi là héo rũ cả ra, nhiều gia đình chấp nhận kéo cả nhà ra khách sạn ngủ, còn đa phần ra “dạo phố phường” đến quá nửa đêm mới về nhà. Kem Tràng Tiền bị quây kín đến tắc nghẽn cả tuyến phố. Nhiều thiếu nữ “bạo gan” chiếm luôn các Trạm ATM có điều hòa để “hạ nhiệt”.
Thấy tôi nói “thương người Hà Nội”, bác giáo Bình lặng thinh một hồi, rồi triết lý: “Chú phải hiểu, tất cả sự vật, hiện tượng đều hàm chứa 2 mặt của một vấn đề. Thành phố đương nhiên hiện đại hơn làng quê. Hiện đại vì phố phường đông đúc, nhà cửa khang trang, dịch vụ phát triển. Cho nên, nông thôn cứ thích đô thị hóa là vì thế. Nhưng mặt khác, đô thị hóa cũng đồng nghĩa với bê tông hóa, đồng nghĩa với việc cảnh quan môi trường thiên nhiên bị cải tạo, xâm hại. Trong môi trường đó, khả năng hòa hợp với môi trường thiên nhiên, với thời tiết khí hậu của con người càng yếu đi.
Ở nông thôn, nắng nóng tới 38 - 40 độ cũng chẳng gây xáo trộn gì. Không những dân quê dễ hòa hợp với môi trường, mà vườn cây, mặt nước ao hồ cũng giúp môi trường bớt ngột ngạt. Còn ở đây, chú thấy đấy, mới có 37 độ mà người thành phố đã nháo nhác cả lên…”.
Nghe bác giáo nói đến đấy, tôi càng thấy thương người Hà Nội hơn. Tôi chợt nhớ tới câu thơ mà mẹ nó từng đọc cho tôi hồi còn trẻ: "Khỏa chân ở bậc cầu ao/ mà thương những bước thấp cao thị thành".
Rồi tôi lần tay vào túi quần và cảm thấy xấu hổ khi chạm vào những đồng tiền mà tôi đã kiếm được trong đêm của người Hà Nội.
Mẹ cái Mùa có hiểu và thông cảm với tôi không?./.