Tiếc cho một ý định đẹp

Chờ đợi mãi, cuối cùng thì Lễ hội “Ký ức cầu Long Biên” cũng đã diễn ra. Nhưng đến khi mục sở thị thì thất vọng tràn trề  

Hà Nội ngày 13 tháng 10 năm 2009

Gửi mẹ cái Mùa

Chờ đợi mãi, cuối cùng thì Lễ hội “Ký ức cầu Long Biên” cũng đã diễn ra, mẹ nó à. Tôi biết mấy ngày rồi mẹ nó đợi tôi biên thư tường thuật lễ hội này, xem người ta “đánh thức” ký ức về cây cầu đẹp nhất trong đời mà vợ chồng mình đã từng đi qua như thế nào. Tôi biết mẹ nó chờ mong, nhưng thú thật, tôi chẳng biết sẽ phải kể cho mẹ nó như thế nào?

Mẹ cái Mùa biết không, đêm 10/10, tôi đã phải bỏ qua cơ hội lớn để có thể kiếm tiền. Biết là đêm ấy sẽ rất đông người muốn đến cầu Long Biên, sẽ rất khó kiếm được chỗ để xe, nên xe ôm sẽ mặc sức mà chạy. Nhưng, tôi cũng phải từ chối những ông bà khách quen, đóng bộ quần áo lịch sự nhất của mình để cùng bác giáo Bình có một đêm đóng vai người bộ hành dắt hoài niệm qua sông.

Vừa lên dốc cầu, nhìn cái hình thù cách điệu dáng đầu rồng màu vàng nhợt, bác giáo Bình đã thở dài cái sượt: “Cái cầu hình rồng vốn dĩ đẹp thế, thêm cái đầu rồng này mà làm gì không biết? Đúng là vẽ rắn thêm chân!” - Bụng tôi thầm nghĩ bác giáo nói đúng, nhưng tôi vẫn hy vọng sẽ có những điều đáng xem nên hồ hởi kéo tay bác ta đi tiếp. Càng đi càng mỏi chân, càng đi niềm hào hứng của tôi càng nhạt bớt. Dọc theo lối đi, người ta treo tranh, người ta bày ảnh về cây cầu. Tôi không rành nghệ thuật nên không biết nó có thực đẹp chăng. Chỉ biết rằng dường như các nghệ sĩ sợ rằng điều kiện bảo quản tác phẩm ở ngoài trời không tốt nên không nhiều nghệ sĩ lớn tham gia, và những tác phẩm được treo cũng không mấy đặc sắc.

Những cánh diều, lẽ ra có thể tạo ra một không gian bay bổng, khoáng đạt, song được buộc cố định trên những cây sào

Để trang trí cho cây cầu, ngoài cái đầu rồng màu vàng nhợt, người ta còn treo rất nhiều cờ quạt, rất nhiều cánh diều, rất nhiều tấm phướn viết tên thủ đô của các nước. Có điều, cờ phướn được treo chẳng theo một ý đồ nào, tôi chẳng thấy có gì liên quan đến “ký ức cầu Long Biên”. Những cánh diều, lẽ ra có thể tạo ra một không gian bay bổng, khoáng đạt, song được buộc cố định trên những cây sào nên cũng chẳng ra sao. Có một ý tưởng khiến tôi chú ý là hàng loạt băng vải trắng được treo dọc lan can cầu để người ta viết ra tình cảm của mình về cây cầu. Ý tưởng hay, nhưng thiếu sự chuẩn bị chu đáo, thiếu những người tiên phong thể hiện nên chẳng có bao nhiêu câu chuyện hay ho được viết ra.

Tôi thấy phía đầu cầu nội thành thì những tấm vải có nhiều người viết, nhưng đó chỉ là những câu văn đơn giản, sáo rỗng của bọn trẻ con, phía giữa cầu trở đi thì toàn vải trắng tinh. Của đáng tội, cũng có một vài bài thơ của ông nhà thơ nào đó được in lên. Song, những bài thơ vừa dài vừa nhạt, mà chỉ có thơ của một người nên cũng đơn điệu và lạc lõng. Chẳng nhẽ Hà Nội chỉ có một nhà thơ? Thế thành ra, cùng với cờ phướn lèo tèo, những băng vải trắng nhễ nhại trong bóng đêm tạo ra một khung cảnh thê lương thế nào ấy.

Mẹ cái Mùa biết không? Lẽ ra tôi chẳng thất vọng đến thế đâu. Nhưng cả năm trời khấp khởi đợi chờ, nghe, rồi đọc bao nhiêu bài báo ngợi ca sẽ thế này, thế kia... đến khi mục sở thị thì thất vọng tràn trề. Thế mới biết, làm nghệ thuật thật khó lắm thay! Tiếc cho cái ý tưởng của nhà tổ chức, tiếc cho cái tâm, cái lòng của người ta đối với cây cầu. Lẽ ra, khi cái ý tưởng này được nhen nhóm, người ta phải thảo luận cùng nhau, phải thu hút được sự tham gia của nhiều người để cùng tạo ra một đêm hội độc đáo. Đằng này...

Mẹ cái Mùa biết không? Khi thức trọn đêm với cây cầu lịch sử, tôi chạnh nhớ đến con đường gốm sứ bên sông Hồng. Ý tưởng tuyệt vời, tâm huyết tuyệt vời, nhưng sản phẩm cuối cùng luôn khiến người ta phải thất vọng. Xung quanh con đường gốm sứ ấy, tôi đã thấy không ít nghệ sĩ lên tiếng chê bai. Sự chê bai của họ cũng đúng, nhưng nếu thay vì việc chê bai, họ biết xắn tay để cùng làm thì tuyệt vời biết mấy. Mẹ nó có biết vì sao mọi việc lại thế không? Nếu nghĩ ra được câu trả lời, biên thư cho tôi nhé!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên