Trâu bò không còn cỏ để ăn

Người ta lấy đất làm dự án, trâu bò không còn cỏ để ăn, đồng bào chắc phải bán hết gia súc và trình diễn cuộc sống ở những khu du lịch này kiếm sống.

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2009

Gửi mẹ cái Mùa,

Đã bao giờ mẹ nó nghĩ đến việc vào ở trong một khu du lịch cao cấp hay chưa? Tôi đoán mẹ nó lại mắng tôi: “Vớ vẩn, đến đi thăm còn không dám nghĩ tới, nói gì tới chuyện ở!”. Tôi chẳng đùa đâu, so với mình, đồng bào K’ho ở Lâm Đồng còn khó khăn hơn nhiều. Thế mà bác giáo Bình bảo tôi rằng, rồi bà con sẽ vào ở trong khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp hết. Có điều, đó lại chẳng phải là một tin vui.

Sáng nay, bác giáo chìa cho tôi xem tờ báo có đăng tin đồng bào K’ho ở một làng thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng phải bán hết đàn trâu trên 350 con của mình vì… hết cỏ. Mẹ nó chưa vào Lâm Đồng, chứ ngày xưa, hồi đơn vị của tôi vào đến Tây Nguyên, điều khiến tôi choáng ngợp nhất chính là sự mênh mang của đồng cỏ. Tây Nguyên trên là trời, dưới là đồng cỏ, giữa thời bom đạn mà cứ ngút ngàn xanh, chẳng bao giờ tôi tin trâu, bò ở Tây Nguyên thiếu cỏ. Ấy vậy mà đó là chuyện có thật.

Tờ báo nói rằng, có một công ty của Macau (Trung Quốc) đã xin được 500 ha đất ở địa phương ấy để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf. Trớ trêu là cái khu đất mà những người Macau nhắm lại chính là nơi bao đời nay dân làng K’ho chăn thả gia súc. Đồng cỏ chẳng phải sở hữu của ai, dĩ nhiên, dự án lấy thì dân làng phải chịu. Hết cỏ, họ phải bán trâu chứ còn gì?

Con trâu, với những người dân K’ho quan trọng lắm! Đám ma, đám cưới, rồi ngày lễ hội… tất cả đều cứ phải làm đâm trâu, mổ trâu. Không những thế, người K’ho xưa nay chỉ sống nhờ rừng và chăn thả đại gia súc. Rừng bây giờ ít rồi, mà còn thì cũng không thể khai thác. Không nuôi trâu nữa, họ sẽ sống bằng gì?

Tôi tỏ ý lo thế, bác giáo Bình chỉ cười. Bác ấy bảo: “Cái sự lo lắng kiểu tiểu nông như chú là vật cản cho sự phát triển của xã hội. Con người buộc phải thích nghi thôi. Ngày xưa, để thích nghi mà nhân loại mới tiến hóa, loài bò sát biến thành động vật có vú, rồi con vượn cũng thành con người. Sự thích nghi, các cụ còn gọi là thiên lý, sao chú còn băn khoăn” – Nói đến thiên lý, làm sao tôi tranh luận được với bác giáo Bình? Nhưng cái sự tiến hóa, bọn trẻ con cấp hai nó cũng hiểu rằng đó là một quá trình vận động đau đớn của nhân loại trải qua hàng triệu triệu năm. Sao người đương thời như chúng ta lại thờ ơ cho được?

Nghe tôi nói thế, bác giáo không còn “khoa học lạnh lùng” nữa mà kể cho tôi nghe chuyện của những người da đỏ ở Bắc Mỹ, họ cũng là những tộc người thảo nguyên, sống bằng việc săn bắt, chăn thả. Đọc tạp chí, xem ti vi, bác ấy thấy bây giờ hầu hết họ cũng phải thay đổi, những người chưa thích ứng được với môi trường sống mới thì cũng có cách khác, đó là ở trong những khu bảo tồn, như những di sản sống và tồn tại bằng sự hiếu kỳ của du khách.

Bác giáo Bình bảo rằng: “Người K’ho có văn hóa độc đáo, vẫn theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ đi bắt chồng, riêng điều đó đã đủ hấp dẫn rồi. Khi khu du lịch nghỉ dưỡng hoàn thành rồi, có khi dân làng ấy chẳng cần phải làm gì, chỉ việc trình diễn cuộc sống của mình thôi, có khi sống tốt hơn ấy chứ!”.

Tôi nghe, thấy cũng phải, dẫu chả biết cuộc sống chẳng làm gì liệu có phải tốt hơn! Tôi chỉ chạnh nghĩ may mà vùng quê mình không được đẹp lắm! Nếu không, ruộng đồng thành khu du lịch hết, chẳng biết cách sinh hoạt của vợ chồng nông dân chúng mình thì du khách có thèm ngó hay không?!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên