Treo đầu dê…

Bia phải nấu bằng lúa mạch 100%. Đằng này các lò bia thủ công phải nấu tới 80% là gạo tẻ. Lấy đâu ra bia ngon. Đấy là chưa kể nước sạch, nước bẩn. Cứ đóng mác bia Hà Nội vào, đưa đi tiêu thụ, có ai hỏi đâu mà kiểm định.

Hà Nội, ngày 18/5/2010

Gửi mẹ cái Mùa!

Hôm vừa rồi, bác giáo Bình có việc gia đình phải đi Lào Cai, tôi quyết định bỏ mấy buổi chạy xe đi theo bác ấy. Có đi, mới biết đất nước mình mở mang ghê quá, đường sá cứ băng băng. Con sông Chảy năm nào lũ dữ như thế, nay hiền hòa chảy quanh xóm thôn. Bóng cọ tròn xoe ôm lấy những nếp nhà sàn. Nhà cửa làng mạc trù phú. Lúa chiêm xuân chỗ xanh, chỗ vàng nom thật đẹp mắt, ngô non trải dài từ chân núi lên đến đỉnh.

Tiện đường nghỉ lại ăn cơm trưa gần ngã ba Yên Bình, lối rẽ vào thành phố Yên Bái. Tôi cũng chẳng kể cho mẹ cái Mùa chuyện ăn uống làm gì, nếu không có chuyện mất vui ở cái quán cơm có cái biển hiệu X.O gì gì đó. Đường xa, trời nắng. Mọi người gọi mấy chai bia uống cho đỡ khát. Nhà hàng bảo chỉ có bia chai Hà Nội. Ôi, thế thì còn gì bằng. Gọi ra mấy chai uống thử thấy vị nó khác lắm, chợt thấy một chai nhãn mác long ra cả. Quái, làm gì có chuyện nhãn mác cẩu thả thế? Hay là bia rởm. Vốn tính mình là người thật thà, ruột để ngoài da, nên mới mời ông chủ quán đến để thưa chuyện. Mất vui từ đây, mẹ cái Mùa ạ. Mình mới thẽ thọt nói với ông chủ rằng: “Tôi ngờ bia này là rởm, bác ạ?”. Nào ngờ ông chủ quán trợn mắt nhìn tôi, dài giọng: “Anh có biết tôi mua bia ở đâu không” - “Dạ, thế bác mua ở đâu”? “Ở nhà máy bia Việt Trì đấy!”. Ông ta dằn giọng nói còn căng hơn: “Tôi là đại lý bia cấp 1, làm gì có chuyện bia rởm”.

Thôi, thế là thành chuyện đôi co rồi. Chúng tôi lặng thinh, ăn cơm. Đợi ông chủ quán đi rồi, bác giáo Bình mới bình: “Người ta có lòng thành mới góp ý. Nếu là người biết ứng xử, thì phải cảm ơn và nhận rằng: Vâng, để em xem lại. Chứ cái kiểu quát lại khách hàng thế này, không đúng cách cư xử của dân ta”.

Từ đầu bữa đến giờ, anh lái xe tên Vượng cứ ngồi im. Một ngụm bia cũng không uống. Thấy tôi cứ bức xúc mãi cái chuyện bia bọt, Vượng an ủi: Thôi, bác băn khoăn làm gì. Dân ta bây giờ toàn uống “bia cỏ” với “bia ong” mà, có mấy ai được uống bia đảm bảo chất lượng đâu. Bia phải nấu bằng lúa mạch 100%. Đằng này các lò bia thủ công phải nấu tới 80% là gạo tẻ. Lấy đâu ra bia ngon. Đấy là chưa kể nước sạch, nước bẩn. Cứ đóng chai Hà Nội vào, đưa đi tiêu thụ, có ai hỏi đâu mà kiểm định.

Mẹ cái Mùa biết không, khi nghe chú Vượng nói thế, quả thật là tôi bàng hoàng. Cẩn thận hơn, tôi hỏi lại: Thế cái chuyện bia Hà Nội đóng chai ở Thái Bình, Phú Thọ là thế nào? - Thì cũng là một cách “bán” thương hiệu bác ạ. Bia Hà Nội ngon là do ngày xưa người ra chọc đúng được mạch nước ngon. Còn tại Hà Nội, các loại bia khác lấy nước ở ngoài Hoàng Hoa Thám có ngon vậy không? Cho nên bia Hà Nội chỉ đúng là bia Hà Nội khi nó được sản xuất ở khu vực Hoàng Hoa Thám thôi.

Tôi thở dài đánh thượt, hỏi vớt một câu: “Thế chả lẽ mình cứ để dân mình uống bia rởm mãi, hại chết”. Chú Vượng thong thả: “Cách bảo vệ tốt nhất là không uống những thứ bia ấy!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên