Từ câu chuyện của cảnh sát Nam Phi…

Câu chuyện về 54% cảnh sát Nam Phi béo phì dẫn đến khó đảm bảo công việc, nhắc người ta liên tưởng đến hình ảnh những anh cảnh sát giao thông bụng phệ ở Việt Nam

Hà Nội ngày 11 tháng 3 năm 2010

Gửi mẹ cái Mùa

Thư này tôi sẽ kể một chuyện buồn cười. Đó là chuyện về những anh cảnh sát béo phì đang khiến người hâm mộ bóng đá phải lo âu. Mà nói cho mẹ nó mừng, nhờ mấy anh cảnh sát béo mà tôi và bác giáo Bình đã làm lành với nhau rồi đấy.

Đêm qua, xem trận C1 trên ti vi, đến lúc đội bóng Arsenal yêu thích của tôi ghi bàn thắng thứ 2 vào lưới đối thủ, sướng quá, tôi ôm chầm lấy vai bác giáo Bình, đến lúc chợt nhận ra là còn đang giận nhau, sượng sùng bỏ tay ra thì bác ấy chủ động lấy chuyện bóng đá để làm lành. Chú Cả Chiêm này - Bác ấy nói - Chú có biết vấn đề lớn nhất của World Cup năm nay là gì không?  - Tôi còn đang ngớ ra thì bác ấy nói tiếp: Chính là việc lực lượng cảnh sát của nước chủ nhà Nam Phi quá béo, khiến người hâm mộ nghi ngại về khả năng chống bạo động của họ! - Mẹ nó thấy cái sự lo ấy có buồn cười không cơ chứ! Tôi bảo “vớ vẩn!” nhưng bác giáo Bình thì khăng khăng: Không vớ vẩn đâu, chính một thành viên chính phủ Nam Phi còn phải thừa nhận có đến 54% cảnh sát nước này bị béo phì đến mức khó có thể đảm bảo việc đuổi bắt tội phạm, và để chuẩn bị cho World Cup thì ngành cảnh sát nước này đang phải khuyến cáo các ông "pô lít" phải ăn ít đi và tập thể dục nhiều hơn. Tôi bảo: “Tây người ta cứ hay lo bò trắng răng chứ cảnh sát béo chứng tỏ đất nước ấy bình an, no đủ...” - Giờ thì bác giáo độ lượng hơn, chỉ nhẹ nhàng phân tích: “Chú đừng nghĩ thế, chỉ như anh em mình đây, dù chẳng có bao giờ béo nổi, nhưng cứ tăng vài cân là biết nhau ngay, ngại vận động hẳn. Mấy anh cảnh sát mà béo thì có mà... Chú cứ nhìn ngoài đường phố mà xem, có khi nào các anh cảnh sát giao thông bụng phệ ra đứng giữa đường để phân luồng xe cộ đâu. Các anh béo chỉ đứng góc đường để xử phạt thôi” - Tôi lục tìm trí nhớ của mình, đúng là ngoài đường cũng hay thấy có các anh cảnh sát bụng phệ, thỉnh thoảng các điểm nút giao thông bị ùn ứ gần chỗ các anh ấy đứng nhưng chẳng hề thấy ra phân luồng. Nhưng, có lẽ chuyện đó chẳng điển hình. Béo gầy là chuyện cơ địa của người ta, nếu cứ nghĩ cực đoan như bác giáo Bình thì nếu cảnh sát béo chẳng lẽ lại phải ra khỏi ngành? Tôi nói ý đó, chẳng ngờ bác giáo Bình vỗ tay: “Thì đúng rồi! Các cô người mẫu mà phát phì ắt phải bỏ nghề, cảnh sát không được hành nghề nếu bụng to cũng là hợp lý chứ! Cái sự phát phì của cảnh sát không chỉ là chuyện cơ địa của một vài cá nhân, người Tây họ lo cũng là đúng! Chú không thấy lâu nay đầy rẫy những cái tin đăng việc cảnh sát bị hành hung, bị đánh... bởi mấy thằng côn đồ vớ vẩn hay sao? Có công cụ hỗ trợ trong tay, lại được đào tạo bài bản các kỹ năng chiến đấu mà hơi tí là bị đánh thì làm sao có thể bảo vệ được người dân?” - Tôi không có sự chuẩn bị trước nên chẳng thể nào mà cãi lại, chỉ ú ớ: “Nhưng mà béo tốt thì cũng oai vệ chứ sao?” - Bác giáo Bình biết tôi đuối lý, chỉ cười cười: “Nếu thay vì tối ngày nhậu nhẹt bia bọt, các anh ấy chịu khó tập luyện võ nghệ thì làm sao nên nỗi bụng to. Tôi mà là Bộ trưởng Bộ Công an, cứ vòng bụng mà to là cho ra khỏi ngành. Dám chắc chẳng anh cảnh sát nào dám sa đà bia bọt, bỏ bễ tập tành đâu. Như thế, có khi những tiêu cực trong ngành cảnh sát cũng sẽ bị triệt tiêu ấy chứ!” - Lần này thì tôi chịu, chấp nhận ngồi nghe bác ấy nói, coi như cũng là một cách để làm lành! Như thế, không có nghĩa lần sau bác ấy nói gì cũng phải đâu, mẹ nó nhé! ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên