Từ câu chuyện đốt xe giữa phố…
Giáo dục luật pháp, có lẽ chẳng điều gì tốt hơn là giữ được hình ảnh nghiêm minh của những người thực thi pháp luật
Ngày 12 /2/2009
Gửi mẹ cái Mùa…
Mấy ngày hôm nay tôi ít việc, ngồi nhẩn nha nhớ những ngày về quê ăn tết với mẹ nó. Còn nhớ, mẹ nó khen tôi lên phố mấy tháng mà thanh lịch hẳn ra. Hôm đó tôi tinh vi: “Chuyện, ở Hà Nội, dẫu là người nhập cư thì cũng có tí Tràng An, phải thanh lịch hơn chứ!”. Mẹ nó nghe chỉ cười. Giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu chẳng qua mẹ nó muốn tôi vui mà không bật lại. Thực ra thì cái sự thanh lịch của người Thủ đô bây giờ cũng chỉ còn là một thời vang bóng. Nói vậy, nhiều người Hà Nội cho rằng tôi nói ẩu. Nhưng nói cho cùng, chỉ nội cái chuyện đốt xe trên phố mấy hôm gần đây đủ thấy đất Tràng An cũng lắm kẻ ngông cuồng.
Mẹ nó có biết không, liên tiếp đã xảy ra hai vụ như thế. Một anh giữa phố Cát Linh, vi phạm giao thông, bị cảnh sát giữ lại, chẳng nói chẳng rằng mở bình xăng châm lửa đốt rồi bỏ đi. Vụ đó, mới nghe tôi chỉ nghĩ cái thằng ngông, thừa tiền nên đốt cho vui. Đến cái vụ thứ hai, kẻ đốt xe là một anh bán rau, bị công an giữ cũng bắt chước mở vòi xăng ra đốt thì tôi chịu. Anh này rõ chẳng thừa tiền. Vậy cái sự đốt xe ấy nói lên điều gì? Oan ức? Hay tâm thần? Chịu!
Nói chuyện với bố con bác giáo Bình, bác ấy cũng trầm ngâm mãi rồi mới bảo: “Có lẽ anh ta cảm thấy mình oan và phản ứng thái quá!” - Thôi thì cứ cho là oan thật đi. Nhưng cũng không thể phản ứng như vậy được! Có thể anh công an thổi phạt quá đáng, nhưng mình là công dân thì phải tôn trọng pháp luật chứ! Tôi không phải là người am tường luật pháp, nhưng tối thiểu cũng phải biết rằng đốt xe giữa đường là hành vi gây rối trật tự công cộng, chưa nói là chống người thi hành công vụ nữa.
Nghe tôi nói vậy, bác giáo Bình cũng đồng tình: “Làm dân của một đất nước có luật pháp, trước hết phải thượng tôn pháp luật. Ai cũng phản ứng tự nhiên như thế thì còn gì là kỷ cương, phép nước.” - Hai anh em tôi cùng nhất trí những vụ như thế phải xử nặng để làm gương.
Nhưng, thằng con bác giáo Bình thì đỏ mặt tía tai lên cãi lại. Nó bảo: “Bố và chú Cả Chiêm không biết chứ, nhiều khi ức chế lắm! Mình đi đường, chẳng may sơ ý một chút thôi, chót phạm luật. Mấy anh công an cứ thế lao ra lôi xệch xệch vào vỉa hè kiểm tra đủ thứ. Con nói thật, nhiều khi cũng phải thông cảm, nhắc nhở thôi. Đằng này các anh ấy cứ nằng nặc phạt cho bằng được. Làm sai bị phạt cũng đúng thôi, nhưng có những khi việc phạt chỉ là một cái cớ để làm tiền nên việc xử phạt sẽ mất đi ý nghĩa ban đầu. Với người nhận thức kém, họ chỉ cảm thấy bị xử ép, quẫn trí mà làm điều dại dột…” - Thằng bé nói một thôi một hồi như vậy mà mặt mũi vẫn phừng phừng vì bức xúc.
Kể ra, làm xe ôm, tôi cũng tối ngày chạy xe ngoài đường, nỗi bức xúc của nó tôi cũng cảm thông được. Song, không thể vì ba cái chuyện không điển hình ấy mà hành xử bậy bạ như mấy cái anh đốt xe, mẹ nó nhỉ! Tôi vẫn nghĩ rằng nên xử nghiêm mấy anh chàng này. Song, bên cạnh đó, nếu như các anh cảnh sát giao thông cải thiện được hình ảnh của mình thì sẽ có ý nghĩa hơn. Giáo dục luật pháp, có lẽ chẳng điều gì tốt hơn là giữ được hình ảnh nghiêm minh của những người thực thi pháp luật. Tôi nói thế, mẹ nó thấy có thuyết phục hay không?./.