Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nơi vùng cao biên giới
VOV.VN - Với đồng bào Tày, Nùng nơi biên giới của tỉnh Cao Bằng, hơn 3 năm qua, các chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng của Đài TNVN đã trở thành người bạn đồng hành. Không chỉ tự hào khi tiếng nói dân tộc mình được vang lên trên làn sóng quốc gia, mà thông qua mỗi mô hình kinh tế hay được chương trình phản ánh... đồng bào đã có thêm những kiến thức có thể áp dụng vào cuộc sống.
Đưa Cánh sóng Tày Nùng tới vùng cao biên giới
Sinh ra và lớn lên ở xóm Bó Đa (thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), ông Lý Minh Tâm đã được chứng kiến giai đoạn Đài A3, thuộc Đài TNVN đóng quân tại hang Ngườm Chiêng trong làng, từ năm 1966 đến năm 1978. Khi ấy, những người dân xóm Bó Đa đã giúp cán bộ Đài mở đường, vận chuyển máy móc thiết bị và xây dựng cụm công trình quan trọng này. Đồng bào nơi đây cũng hết lòng che chở, đùm bọc "nhà Đài" trong suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ cho đến ngày Đài A3 rút về Hà Nội...
Chính vì vậy, ông Tâm cũng như những người dân Bó Đa không giấu được xúc động khi Ngườm Chiêng được công nhận di tích lịch sử Quốc gia: “Đài lớn mạnh lắm rồi, tiến bộ chưa từng thấy. Nghe Đài giúp chúng tôi biết rất nhiều thứ. Ở tỉnh Cao Bằng thì có thể biết ở Hà Quảng có loại vật nuôi gì, Hòa An phát triển cây gì, rồi Thông Nông có gì… hay nghe biết tỉnh khác nữa, như ở Bắc Kạn có phát triển kinh tế rừng, nhiều tỉnh cả nước nữa. Rồi Đài hướng dẫn bà con cách làm ăn, hướng dẫn thanh, thiếu niên phải chăm chỉ học hành, phấn đấu…”.
Năm 2020, Chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng của Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức lên sóng. Và từ đó, đều đặn mỗi ngày chương trình đến với đồng bào dân tộc Tày - Nùng bằng cách thể hiện đổi mới, sinh động, tính tương tác cao. Những thông tin văn hóa, kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS cùng những bài viết sinh động về các mô hình kinh tế gia đình, kiến thức nuôi dạy con hay việc phòng chống bệnh tật... được chọn lọc và chuyển tải đến người nghe cùng phần âm nhạc là các làn điệu then tính.
Bà Lương Thị Hiệp (người dân huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ: “Mỗi ngày nghe chương trình tiếng Tày, tiếng của dân tộc mình trên sóng Quốc gia tôi rất vui, tôi cảm ơn chương trình rất nhiều. Tôi mong chương trình sẽ có thêm nhiều các làn điệu Then, Sli, Lượn để bà con đi làm đồng về mệt được nghe sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn…”.
Còn với bà Hà Thị Hương (xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, Cao Bằng) thì mỗi chương trình lại là một “trang” kiến thức quý báu để bà và những người xung quanh học hỏi, áp dụng. Đầu năm 2022, bà Hương nghe được chương trình giới thiệu về hiệu quả của mô hình trồng cây gai xanh nên ngay khi dự án phát triển loại cây trồng mới này triển khai tại xã, bà là một trong những người đầu tiên đăng ký với diện tích hơn 8.000m2, nhiều nhất xã.
Bà Hà Thị Hương phấn khởi nói: “Nhờ có chương trình tiếng Tày, Nùng của Đài Tiếng nói Việt Nam tôi đã biết được nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, như ở Thạch An chúng tôi có mô hình cây gai xanh đang được bà con trồng nhiều. Tôi cũng rất tin tưởng, làm theo... đến bây giờ tôi thấy rất hiệu quả”.
Cao Bằng là địa phương có cộng đồng dân tộc Tày - Nùng chiếm phần lớn dân số. Chính vì vậy, chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành kênh thông tin quý giá, bổ ích và góp phần quan trọng hỗ trợ chính quyền đưa các thông tin kinh tế, xã hội cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, địa phương đến với đồng bào. Những chủ trương lớn như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư hay tôn vinh các điển hình tiên tiến… được chương trình phản ánh thường xuyên đã góp phần không nhỏ vào sự đổi thay trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.
Bà Chu Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Huyện chúng tôi có 98% là dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Tày - Nùng. Có phát thanh tiếng dân tộc để người dân biết thêm, để chủ trương chính sách của Đảng đến gần hơn với người dân. Bởi với người khoảng dưới 40 tuổi thì tiếng phổ thông rất tốt, nhưng còn người cao tuổi chủ yếu dùng tiếng Tày, nên chương trình sẽ rất có ý nghĩa. Đồng thời, qua đó thì người trẻ cũng sẽ có cơ hội học tập thêm văn hóa dân tộc mình”.
Sự đón nhận tích cực của thính giả đối với chương trình phát thanh tiếng Tày - Nùng chính là động lực để các phóng viên, biên tập viên nỗ lực hơn nhằm mang lại cho đồng bào những chương trình hấp dẫn; để chương trình luôn là bạn đồng hành của đồng bào Tày - Nùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, bản làng; đồng thời góp phần thành công trong triển khai Nội dung "Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số", Tiểu dự án 1, Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.