Tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng, vì sao?
VOV.VN - Bộ trưởng Y tế: Việc sử dụng kháng sinh không đúng, không đủ liều trong y tế, nông nghiệp là 1 trong các nguyên nhân làm tăng kháng thuốc.
Sáng nay (21/9), phát biểu tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng và là mối nguy đe doạ sức khoẻ toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội. Không chỉ riêng đối với Việt Nam nó còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay.
Nói về tác dụng của thuốc kháng sinh, Bộ trưởng Y tế cho biết: Thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu thập kỷ 40, là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Kháng sinh giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như: Lao, viêm phổi, bạch hầu, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết,…
Hội nghị Sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc. |
Dẫn báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của WHO được tổng hợp từ 114 quốc gia trên thế giới, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Người bệnh phải nằm viện điều trị lâu hơn và tỉ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu, số người nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỉ lệ tử vong 25.000 người/năm; Thái Lan tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện là tử vong là 38.000 người/năm; ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh viễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm.
Điều này tác động đến kinh tế, xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ USD/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ USD/năm), đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.
“Việt Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của WHO về phòng, chống kháng thuốc và là một trong 6 nước đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Binh Dương đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013-2020 với sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vừa qua tại Hội nghị các nước G20, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã góp phần tích cực cho chương trình nghị sự của Hội nghị, trong đó có phòng, chống kháng thuốc” – bà Tiến nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới cho biết: WHO đánh giá cao Việt Nam về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới.
Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc do Bộ Y tế, Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương, Bộ TN&MT phối hợp tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đàm cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương và Hà Nội cùng đại diện tổ chức quốc tế: WHO và FAO./. Sử dụng kháng sinh không đúng sẽ bị kháng thuốc
Cảnh báo chủng lao siêu kháng thuốc gia tăng