Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm còn 9,6%

Tính đến đầu tháng 12/2008, số khách hàng của EVN đạt trên 11 triệu, tăng 1,11 triệu khách hàng so với năm 2007

Tại lễ kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống ngành Điện Việt Nam (21/12/1954-21/12/2008), ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: năm nay, EVN sẽ đảm bảo một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu. Cụ thể giá bán điện bình quân đạt trên 865 đồng/kWh (tăng 5 đồng/kWh so với năm 2007, đạt kế hoạch đề ra); tỷ lệ tổn thất điện năng lần đầu tiên giảm xuống dưới hai con số, đạt khoảng 9,6%.

Sản lượng điện sản xuất và mua ngoài của Tập đoàn trong năm đạt khoảng 73,7 tỷ kWh, tăng 10,37% so với năm 2007; trong đó điện sản xuất của Tập đoàn ước đạt 52,835 tỷ kWh (cơ bản đạt kế hoạch đầu năm), điện mua từ các nhà máy điện BOT và IPP là 20,865 tỷ kWh (chiếm 28,3%). Sản lượng điện thương phẩm dự kiến đạt 65,7 tỷ kWh, tăng 12,43% so với năm 2007.

Như vậy, tính đến đầu tháng 12 này, số khách hàng của Tập đoàn đạt 11.665.859, tăng 1,11 triệu khách hàng so với năm trước. 100% số huyện, 97,26% số xã, 95,84% số hộ dân và 94,31% số hộ nông thôn có điện. Dự án cấp điện cho hơn 1.000 thôn buôn 5 tỉnh Tây Nguyên đang được triển khai tích cực mặc dù nguồn vốn ngân sách cấp có khó khăn. Nhằm đảm bảo cho người dân được hưởng sự ưu đãi từ chính sách giá điện của Đảng và Chính phủ, Tập đoàn đang triển khai trên toàn quốc Đề án tiếp nhận bán lẻ đến các hộ dân nông thôn với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2010.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN: ngoài sản xuất và kinh doanh điện, năm 2008, EVN phát triển thêm 1,2 triệu thuê bao CDMA, nâng tổng số thuê bao CDMA lũy kế lên 3,6 triệu, doanh thu ước đạt 3.500 tỷ đồng. Các đơn vị cơ khí điện lực tiếp tục đẩy mạnh việc gia công cột thép, dây dẫn cho các đường dây truyền tải, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công và các cấu kiện cho các dự án thủy điện, trong đó có thủy điện Sơn La – công trình trọng điểm quốc gia.

Hiện Tập đoàn đang triển khai Kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2008-2015, dự kiến đến năm 2025 nhằm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển, khắc phục những bất cập hiện nay về thiếu hụt đội ngũ quản lý giỏi, thiếu chuyên gia chuyên sâu và thiếu công nhân, cán bộ kỹ thuật viên lành nghề./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên