Ứng dụng công nghệ vào bảo vệ rừng: Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
VOV.VN - Thời gian qua, việc ứng dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại vào quản lý bảo vệ rừng đã và đang được thí điểm ở một số nơi tại Tây Nguyên đã bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực. Đây là cách làm sáng tạo trong công tác quản lý bảo vệ rừng khi nguồn lực đầu tư và nhân lực còn hạn chế, được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương và đề nghị nhân rộng.
Buổi sáng đầu tuần, cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 8, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (tỉnh Đắk Nông) tổ chức đi tuần tra rừng. Tổ tuần tra gồm 4 người, hành trình dự kiến hơn 20km đến đỉnh núi Nam Jer Bri (cao gần 1.600m). Trong đó phương tiện xe máy chỉ đi được 6km, còn lại phải đi bộ len lỏi qua những cánh rừng trên địa hình đồi núi dốc. Trước khi xuất phát, Trạm trưởng Nông Văn Sức quán triệt nhiệm vụ cho tổ tuần tra, đồng thời chuẩn bị lương thực, nước uống, dự phòng các loại thuốc thiết yếu cho ít nhất 3 ngày trong rừng. Mở ứng dụng “Smart mobile Nam Nung” trong điện thoại, anh nhập các dữ liệu gồm vị trí xuất phát, số lượng và tên từng thành viên trong tổ tuần tra.
Anh Nông Văn Sức cho biết, ứng dụng này thực hiện gần 1 năm nay và cho thấy hiệu quả thiết thực: “Ứng dụng này là dùng chung cho các trạm chốt trong khu bảo tồn. Ứng dụng này thì rất tốt, vừa giám sát mà vừa làm cho công việc được cải thiện. Mình không cần phải ghi vào giấy, văn bản mà lưu trên máy luôn. Quản lý được anh em trong trạm có thực hiện nhiệm vụ hay không. Không thể không đi mà bảo là đi, tại vì có dữ liệu, hình ảnh trên đó, muốn xoá, muốn tẩy, muốn ghép không được".
Ông Phạm Thế Mãn, phụ trách Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế - Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết, “Smart mobile Nam Nung” là ứng dụng do một viện nghiên cứu về lâm nghiệp tại Hà Nội lập trình riêng cho đơn vị. Ứng dụng dựa trên định vị vệ tinh nên có thể hoạt động ở hầu hết các điều kiện thời tiết, địa hình, rất phù hợp với hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Những dữ liệu, hình ảnh ghi nhận trong quá trình tuần tra về đa dạng sinh học, về động, thực vật quý hiếm hay về khai thác gỗ trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng… được tự động chuyển về máy chủ ở cơ quan khi có sóng điện thoại. Dựa trên những dữ liệu, hình ảnh do tổ, đội tuần tra cung cấp, lãnh đạo đơn vị có thể nhanh chóng đưa ra những giải pháp phù hợp với các tình huống phát sinh trong thực tế. Đồng thời, thông qua ứng dụng có thể kiểm soát hành trình của từng cán bộ, nhân viên.
Ông Phạm Thế Mãn nói: “Về ứng dụng công nghệ smart mobile thì ở trên này mình có thể kiểm tra được là anh em họ đi tuần tra bảo vệ rừng đi sâu vào đâu, đi như thế nào, đi được những vị trí nào và tần suất đi kiểm tra của anh em cụ thể hơn. Và trong quá trình đi kiểm tra thì có thể phát hiện những động, thực vật quý hiếm thì có thể lưu lại trong hệ thống của mình”.
Ông Phạm Trọng Thuỷ, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết, với diện tích gần 22.000ha, trải rộng trên địa bàn 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk Song, khu bảo tồn có hơn 120 loài động, thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Áp lực lên công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng tăng trong khi lực lượng hạn chế, đòi hỏi đơn vị phải có những đổi mới. Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã áp dụng công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái, ứng dụng trên điện thoại thông minh… để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng. Ông Phạm Trọng Thuỷ khẳng định, với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, các hành vi xâm hại đến khu bảo tồn sẽ nhanh chóng bị phát hiện và ngăn chặn.
“Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng như sử dụng hệ thống smart, thứ hai là sử dụng thiết bị bay không người lái để phục vụ công tác theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, thứ ba là sử dụng hệ thống cảnh báo cháy rừng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, giảm thời gian tuần tra, bảo vệ, địa bàn theo dõi rộng hơn. Hạn chế các tác động đến các loài động, thực vật quý hiếm, ngăn chặn các hành xâm hại đến tài nguyên rừng.”- ông Thủy nói.
Ứng dụng công nghệ phục vụ công tác bảo vệ rừng, cách làm mang lại hiệu quả cao đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương khi thị sát tại một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Tây Nguyên hồi tháng 5 vừa qua. Tại hội nghị toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ rừng tổ chức tại tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, đây là mô hình để ngành lâm nghiệp cả nước học tập.
“Ứng dụng công nghệ, flycam tham gia bảo vệ rừng, flycam bay lên phát hiện rất dễ. Cái thứ 2 mới hay: mỗi cán bộ kiểm lâm, cán bộ đi bảo vệ rừng cài một phần mềm trên điện thoại di động, mỗi người phải đi đủ 120km/tháng, ai dưới kể như không hoàn thành chỉ tiêu, đơn giản vô cùng, một phần mềm nhỏ xíu gắn với điện thoại cá nhân. Những yếu tố, ý tưởng rất nhỏ như vậy gợi ý cho các đồng chí để làm tốt việc của mình, thay vì đòi phải thêm biên chế, chúng ta thay đổi cách tư duy đi sẽ hợp lý hơn.”
Trong bối cảnh rừng bị xâm hại ngày càng tinh vi, lực lượng bảo vệ rừng còn hạn chế, thì việc ứng dụng công nghệ, thiết bị mới thực sự là cách làm hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, và phù hợp với xu thế tất yếu trước yêu cầu chuyển đổi số của quốc gia.