Vẫn còn “bệnh thành tích” trong xây dựng đời sống văn hoá
VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tại một số nơi và đơn vị vẫn còn tồn tại “bệnh hình thức” trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá.
Sáng nay (3/12), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" chủ trì cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.
Thảo luận tại cuộc họp, nhiều đại biểu nhận định, trong năm 2015 phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào hoạt động ổn định, nhiều địa phương đã tổng kết đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, chú trọng công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị |
Các mô hình làng nghề truyền thống, làng văn hoá dân tộc, làng văn hoá du lịch cộng đồng được khôi phục; đầu tư phát triển, đem lại nguồn lợi kinh tế cao; nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng giữ gìn phát triển văn hoá gia đình, làng xã.
Tuy nhiên, một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo nhận thức của người dân trong việc phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá ở một số hộ nghèo chưa được quan tâm đúng mức, nhiều gia đình do chưa nhận thức đầy đủ nên vẫn còn tình trạng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá, dù Ban chỉ đạo ở nhiều địa phương đã triển khai sâu rộng, nghiêm túc, tập trung nâng cao chất lượng phong trào từ cơ sở nhưng tình trạng chạy theo thành tích vẫn còn tồn tại, nhiều tiêu chí văn hóa được định tính nhiều hơn định lượng.
“Một số nơi vẫn chạy theo thành tích, có nơi hơn 90% hộ gia đình văn hoá, cũng có nơi giảm, có nơi quan tâm đến chất lượng theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo cho nên rất không đồng đều. Vì vậy việc thống kê các chỉ tiêu gia đình văn hoá rất phức tạp vì là tổng hợp của các phong trào khác nhau mà mỗi phong trào lại có lịch trình, thời gian tổng kết khác nhau" – Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo tập trung thảo luận những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện phong trào như: bệnh thành tích, hình thức; sự trùng lắp, chồng chéo về tiêu chí, thiếu thốn cơ sở sinh hoạt văn hóa cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Mặc dù thời gian qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương và thành viên Ban chỉ đạo đã có nhiều cố gắng triển khai phấn đấu hướng tới một xã hội sống có pháp luật, văn minh và có văn hoá, tuy nhiên tại một số nơi và đơn vị vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như, bệnh hình thức vẫn còn nghiêm trọng.
Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch chủ trì sớm tiến hành rà soát tất cả các tiêu chí như gia đình văn hoá, làng thôn, ấp bản, cơ quan đơn vị văn hóa, đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến gia đình, trong đó cập nhật các phong trào của các hội, đoàn thể; cố gắng đề ra được những tiêu chí dễ hiểu, cụ thể, khắc phục được bệnh thành tích không thực chất. Cùng với đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ việc thực hiện các phong trào của Mặt trận và đoàn thể, tránh trùng lắp, tạo sự lan tỏa cao trong toàn xã hội.
Trước đó, báo cáo của Ban chỉ đạo tại cuộc họp cho thấy, trong năm 2015 phong trào đi vào hoạt động có chiều sâu, 62/63 tỉnh, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, có văn phòng thường trực đi vào hoạt động theo mô hình mới, chuyên trách đem lại hiệu quả cao.
Nhiều địa phương đã có sáng kiến mới, cách làm hay, xây dựng các mô hình danh hiệu văn hóa kiểu mẫu, gắn với phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị… điển hình như Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Hà Nội. Việc thực hiện phong trào được lồng ghép trong việc vận động người dân thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa”; làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa.
Tính đến nay, cả nước có gần 18,8 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt tỉ lệ 85%), tăng 2% so với năm 2014; 71.000 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận, đạt tỉ lệ gần 69%, tăng 7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, đã có 4.998/11.145 xã/phường có thiết chế văn hóa, tỉ lệ 44,8%; 54.391/118.034 thôn có nhà văn hóa; 659 thư viện cấp huyện; 2.456 thư viện cấp xã; 14.470 tủ đọc sách cấp xã và cơ sở./.