Vận tải hàng không tăng trưởng quá nóng là đáng báo động
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ GTVT: “Hàng không tăng trưởng cao thì sẽ làm vỡ kế hoạch của các loại hình vận tải khác, đặc biệt là đường sắt”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, hàng không đang là sự lựa chọn số một của người Việt Nam là điều vô cùng bất hợp lý. Phí sân bay không được tăng và rẻ nhất khu vực, giá vé rẻ do các hãng hàng không khuyến mãi đang “bắt” hết khách của ngành đường sắt.
“Nhiều khi coi đó là thành tích thì là điều lệch lạc. Do đó, các đơn vị liên quan phải điều tiết các phương thức vận tải khác nhau. Hàng không tăng trưởng cao thì sẽ làm vỡ kế hoạch của các loại hình vận tải khác, đặc biệt là đường sắt,” Bộ trưởng Nghĩa khẳng định.
Tăng trưởng hàng không đang mâu thuẫn với hạ tầng các sân bay hiện nay. Ảnh Phi Long |
Sân bay quá tải, hàng không ép giảm chuyến
Tại cuộc họp thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vào chiều 30/11, theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không đã có kế hoạch tăng tổng số 1.285 chuyến bay trong dịp cao điểm Tết chủ yếu là nội địa (tăng 29,3% so với lịch bay thường lệ trong đó 90% đến sân bay Tân Sơn Nhất). Các chuyến bay tăng tập trung giờ thấp điểm (từ 23 giờ đêm đến 7 giờ sáng ngày hôm sau), tất cả các giờ đều kín nếu so lịch bay tăng chuyến.
Thừa nhận việc tăng chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ gây nên vấn đề tắc nghẽn, ông Thanh cho rằng, Cục Hàng không thực hiện nghiêm kế hoạch giải pháp trước mắt trung hạn lâu dài là bố trí máy soi an ninh, còn việc cải tạo nhà ga nội địa, mở rộng khu vực làm thủ tục Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sau Tết mới làm được nên cũng gây áp lực lên hạ tầng.
Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng đã thực hiện các biện pháp tăng cao phương thức điều hành bay, tối ưu hóa năng lực khả năng thông qua tại vùng trời như giữa tháng Tám đưa vào khai thác hệ thống đường bay cao tốc, song song, một chiều trục Bắc-Nam, dựa trên tính năng dẫn đường tiên tiến (RNAV5); tháng 11 áp dụng phương thức dẫn đường bay mới đã làm giảm chuyến bay chờ đến 24% và giảm thời gian bay chờ đến 42%.
Tuy nhiên, vị Cục trưởng Cục Hàng không thừa nhận, cấu hình khu bay không có sự thay đổi nên không tăng được năng lực thông quan. Mặc dù đã được bố trí thêm được 6,78ha đề làm vị trí đỗ tàu bay nhưng không có thay đổi về hệ thống đường lăn mà chờ phía Bộ Quốc phòng bàn giao 21ha mới có thể nâng cao năng lực thông quan.
Hàng không đang là sự lựa chon số 1 của người dân. Ảnh Phi Long |
“Năm nay, sản lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt 32 triệu hành khách/năm (tăng 28%), vượt xa so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Ngành hàng không đang cố gắng chịu đựng qua đợt Tết. Sau đó, sân bay này sẽ có 21ha ở khu vực đất quốc phòng bàn giao để mở rộng để mở rộng thêm vị trí sân đỗ và đường lăn, nghiên cứu phương án làm một nhà ga lưỡng dụng sẽ giúp nâng tổng công suất của hệ thống nhà ga hành khách lên khoảng 40-45 triệu hành khách/năm,” ông Thanh cho hay.
Về công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, theo ông Thanh, tổng số sự cố giảm 8,9%, không có sự cố nghiêm trọng.
Tuy mức độ có giảm nhưng ông Thanh nhìn nhận có 2 vấn đề mà ngành đang chú ý đó là độ tin cậy của thiết bị tàu bay, cảnh báo giả và yếu tố con người, đặc biệt theo thống kê có tới 8 sự cố an toàn hàng không mức cao có liên quan đến con người.
Bất hợp lý khi hàng không là sự lựa chọn số một
Khẳng định sân bay Tân Sơn Nhất hạ tầng kém thì Cục Hàng không cũng góp phần nhiều vào việc này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng, công suất thiết kê sân bay chỉ có 25 triệu/năm mà “vọt” lên tới 32 triệu thì việc cấp phép, cấp chuyến bay phải xem xét. Việc tăng trưởng không đúng Cục Hàng không phải chịu trách nhiệm, tăng 90% là rất bất cập.
“Tại các sân bay ở nước ngoài, hãng hàng không muốn xin một chỗ đỗ, chuyến bay là vô cùng khó khăn. Ở nước ta, các hãng cứ đề nghị tăng chuyến là ‘ùa theo’ nên Cục Hàng không phải siết lại tăng chuyến bay trong dịp Tết. Ngành giao thông cứ lấy khẩu hiệu phục vụ hành khách nhưng khách bị đối xử chả ra gì khi hạ tầng, dịch vụ không thay đổi thì không phải,” Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.
Nhấn mạnh hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang bị dồn nén áp lực rất lớn về hạ tầng nên tăng chuyến bay phải phù hợp, Bộ trưởng đề nghị Cục Hàng không lưu ý và dịp Tết tăng chuyến nào thì tăng nhưng về Sài Gòn sẽ phải xem xét.
Trả lời vấn đề này, ông Thanh lý giải, có lúc giờ cất-hạ cánh (Slot) lên đến 40-42 chuyến/giờ nhưng thời gian buổi chiều vào khung giờ cao điểm đã đưa xuống 38 chuyến/giờ và giới hạn Slot bay này đang được giữ nghiêm. Hơn nữa, các chuyến bay của các hãng cũng tăng theo kế hoạch và được Cục Hàng không xem xét phê duyệt.
Phản biện vấn đề trên, Bộ trưởng Nghĩa nhìn nhận và ví von: “Điểm cất cánh phía Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam lường trước từng điểm nên ‘tống’ cho khách lên máy bay bằng được, rồi ra đường lăn thì cứ cho lên, thế nhưng việc hạ cánh xuống phải chờ. Thậm chí, có thời điểm tới 5-10 chuyến phải bay vòng ra biển để lượn ngắm bầu trời.”
Do đó, người đứng đầu ngành giao thông cho rằng, ngoài việc tăng số lượng phải phù hợp với tăng trưởng hạ tầng. Hàng không đang bắt hết khách của đường sắt đồng thời là sự lựa chọn số một của nhiều người Việt Nam là điều vô cùng bất hợp lý. Nhiều khi coi đó là thành tích thì là điều lệch lạc.
Vì thế, Bộ trưởng Nghĩa yêu cầu các đơn vị trong ngành giao thông phải điều tiết các phương thức vận tải khác nhau. Hàng không tăng trưởng cao thì sẽ làm vỡ kế hoạch của các loại hình vận tải khác, đặc biệt là đường sắt./.
Giới hạn số lượng máy bay mới
Trong dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội máy bay dân dụng VN giai đoạn 2016 - 2020 trình Bộ GTVT mới đây, Cục Hàng không đưa ra quota đến năm 2020 VN có 230 máy bay. Trong khi đó kế hoạch được các hãng đặt ra đến năm 2020 Vietnam Airlines (gồm cả Vasco) đã lên kế hoạch mua sắm, đầu tư đội máy bay với 114 chiếc; Jetstar Pacific xây dựng đội máy bay 30 chiếc; Vietjet Air có kế hoạch nâng lên 100 chiếc.
Ngoài ra, nếu tính thêm Vietstar - hãng hàng không đang đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không - với 19 chiếc máy bay tầm trung, thì tổng lượng máy bay của 4 hãng hàng không nội địa dự kiến sẽ là 263 chiếc năm 2020.
Cục HKVN cho rằng nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như trên, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không trong nước sẽ đạt trung bình 20,3%/năm, đạt khoảng 102 triệu lượt khách vào năm 2020, vượt 24% so với Quy hoạch giao thông vận tải hàng không đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt năm 2009.
Như vậy, dự thảo của Cục đã giảm 33 chiếc so với kế hoạch tăng trưởng của các hãng. Theo tính toán, 4 năm tới các hãng hàng không chỉ được mua tối đa thêm 89 máy bay, trong đó đã tính cả hãng hàng không chưa được cấp phép là Vietstar.