Vành đai 4 - Cung đường mùa Xuân

VOV.VN - Cận Tết, ở những địa phương mà Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua, không khí chưa bao giờ nhộn nhịp, tấp nập như thế.

Tấp nập, nhộn nhịp cũng phải, bởi cuộc sống của hàng vạn gia đình ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đang đổi thay theo từng nhịp của tiến độ xây cung đường mùa xuân - con đường tương lai.

Sẵn lòng hy sinh cho cái lớn hơn

Tần ngần vuốt ve những gốc nhãn muộn giống cổ như chia tay những người bạn gắn bó hơn hai thập kỷ, ông Trần Văn Bảy, thôn 3, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đầy lưu luyến: “Tôi trồng nhãn lâu rồi, có cây tuổi thọ đã tới 40 - 50 năm, giống nhãn muộn cổ Hoài Đức có tên tuổi có thương hiệu từ lâu, hàm lượng đường lên tới 23%. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Hà Nội đầu tư cho tôi chuyển sang nhãn cả sớm cả muộn. Nhãn nhà tôi đã được làm chỉ dẫn địa lý đi Úc, đi Mỹ và mấy nước. Có lúc tôi bán được hơn 40.000 đồng/kg, một gốc cây thu được hơn 4 tạ. Bây giờ người ta phát triển ra nhiều rồi nên cũng rẻ đi. Vườn nhãn nhà tôi rộng hàng nghìn m2, với mấy trăm gốc nhãn cho sản lượng khoảng gần 100 tấn”.

Tâm tư, tiếc nuối thành quả lao động của cả gia đình suốt 20 năm trời, tạo thu nhập cho gia đình mỗi năm, giờ sẽ nhường đất cho Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, ông Bảy bày tỏ mong muốn: “Có đường Vành đai 4, tôi hy vọng kinh tế của địa phương và từng người chúng tôi đều khấm khá hơn. Có điều, một sào đất mà được 351.000.000 đồng thì không đủ sống cả một đời được. Chúng tôi chỉ muốn được tạo điều kiện về việc làm duy trì cuộc sống. Người dân chúng tôi chấp hành pháp luật nhưng pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, minh bạch, nhất quán. Quan trọng nhất là làm sao để người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Nhà nước mà không bị nghĩ sai lệch”. 

Ông Đỗ Xuân Thông, 73 tuổi, xóm Minh Hòa 2, vui vẻ nói trong phiên nhận tiền đền bù tại UBND xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội: “Được cầm tiền nhà nước đền bù cho đất lấy để làm những công trình phúc lợi thì chúng tôi rất thoải mái. Có đường Vành đai 4 thì cuộc sống của mình sẽ thay đổi, nhiều lợi ích về kinh tế, về phát triển làng nghề sẽ thuận lợi cho địa phương. Gia đình tôi cũng có mồ mả nằm trong diện phải di dời, sang tháng nhà tôi sẽ chuyển, xem ngày và chuẩn bị sẵn sàng hết rồi. Địa phương cũng tạo điều kiện cho việc quy tập, chi trả theo chính sách của Nhà nước đề ra. Mọi sự đều rất thuận lợi”.

Chị Ngân - cũng ở xóm Minh Hòa 2, xã Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội - tâm sự: “Đúng là tâm lý chúng tôi cũng ngại động chạm mồ mả, do đó muốn làm xong quy hoạch đường để yên ổn phần mộ của các cụ thì mình cũng ăn ngon ngủ yên. Giờ các cụ được di dời vào nghĩa trang mới, an giấc ngàn thu theo quy hoạch rồi thì tâm lý mình thoải mái hơn. Nhà tôi chuyển hết mộ rồi, tuy chưa được hỗ trợ vì hỗ trợ cuốn chiếu theo từng khu, nhưng cũng an lòng”.

Còn tại thôn Xâm Thị, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, ngay sau khi biết thông tin Dự án đường Vành đai 4 sẽ lấy toàn bộ diện tích 600m2 đất ở và đất sản xuất với 4 ngôi nhà mà gia đình đang sử dụng, vợ chồng ông Hà Sĩ Hải và các con đã mất nhiều đêm suy nghĩ để lựa chọn hoàn thiện căn nhà 2 tầng sắp đến ngày cất nóc hay ngừng thi công? Tâm sự với phóng viên, ông Hải bảo, vợ chồng ông và các con đã bỏ tiền bạc dành dụm, vay mượn thêm để xây nhà mới với hy vọng giải quyết chỗ ăn ở, sinh hoạt cho 16 nhân khẩu, giờ có Dự án đường Vành đai 4 thì gia đình ông đã quyết định ngừng hoàn thiện ngôi nhà.

Ngồi trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng, gió lạnh thổi từng cơn khiến chúng tôi không khỏi ái ngại khi cái Tết đã cận kề, ấy vậy ông Hải, một người nông dân lam lũ, khắc khổ vẫn tự tin, rắn rỏi: “Không biết sau này được đền bù bao nhiêu, nhưng gia đình tôi quyết định dừng hoàn thiện ngôi nhà. Nếu hoàn thiện ngôi nhà, sau này thu hồi cũng sẽ bị phá đi, đền bù nhiều hơn thì gây tốn kém tiền của cho đất nước”. Tâm sự thật lòng của ông Hải khiến chúng tôi xúc động khi gia đình ông rơi vào tình cảnh “dang dở” nhưng vẫn hy sinh lợi ích gia đình vì lợi ích chung.

Cũng tại thôn Xâm Thị, anh Nguyễn Văn Sử được nhiều người biết đến là người có thâm niên làm nghề lái phà qua sông Hồng. Hằng ngày, những chuyến phà của anh góp phần đưa hàng trăm người và phương tiện giao thông qua hai bờ sông Hồng thuộc xã Mễ Sở (Văn Giang) và xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). “Giờ sắp có cầu Mễ Sở bắc qua sông Hồng, hoạt động giao thương, đi lại của người dân sẽ thuận tiện, nhanh hơn, người lái phà chúng tôi thất nghiệp, chuẩn bị chuyển đổi nghề khác thôi…”, anh Sử tâm sự. 

Con đường tương lai

“Con đường tương lai” là tên tiểu phẩm tuyên truyền do cán bộ tư pháp và đoàn viên thanh niên xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội xây dựng với nội dung về một hộ nằm trong quy hoạch, ban đầu cũng có nhiều băn khoăn về đơn giá đền bù rồi khi bị thu hồi đất sẽ mất đất, sẽ ảnh hưởng đến công việc về sau, đến mồ mả. Bằng những biện pháp tuyên truyền, vận động, giải thích hộ gia đình đã nhất trí ủng hộ dự án. Tiểu phẩm “Con đường tương lai” là một cách làm sáng tạo và có hiệu ứng trong công tác tuyên truyền, vận động. Tại các hội nghị của chính quyền, đoàn thể và nhân dân, xã Song Phương đều thể hiện tiểu phẩm này, đồng thời đăng tải trên các trang mạng xã hội để nhân dân đều được xem, được biết - hình thành một phương pháp tuyên truyền rất hiệu quả và có sức hút, nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Song Phương có tổng diện tích bị thu hồi vào dự án là 41,8ha và đã trở thành xã chi trả bồi thường sớm nhất với đợt 1 có 214 hộ, tổng số tiền là 66,7 tỷ đồng. Công tác di dời mộ đã hoàn thành 100%. Ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Song Phương, cho biết: “Sau khi nhận được chỉ thị số 16 của Thành ủy chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyến đường vành đai 4, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề ngày 28/8/2022, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện. UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai, thành lập các tổ công tác, tổ chức họp nhân dân để thông báo chủ trương kế hoạch GPMB, đặc biệt là chế độ chính sách liên quan đến GPMB với 550 hộ. Nhân dân rất phấn khởi đồng tình ủng hộ chủ trương. Người dân cũng đề nghị đẩy nhanh công tác đền bù GPMB để sớm triển khai thực hiện dự án. Song Phương chúng tôi phấn đấu bàn giao 90% cho dự án vào tháng 7/2023”.

Là huyện có diện tích đất phải thu hồi, đền bù lớn nhất trong các quận huyện có đường Vành đai 4 đi qua, huyện Hoài Đức đã làm những bộ “cẩm nang” pháp luật đưa tới từng thôn, xóm để các cán bộ thôn, xóm có thể dựa vào đó giải thích cho người dân hiểu đúng quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, đền bù GPMB. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và của cả cộng đồng, người dân ở những khu vực nằm trong diện thu hồi đất hiểu rõ hơn về lợi ích mà tuyến đường Vành đai 4 vùng Hà Nội mang đến cho cả cộng đồng và xã hội, cũng như cho từng người dân.

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn huyện để thực hiện dự án khoảng 236,67ha. Trong đó, số hộ bị thu hồi đất khoảng 6.320 hộ; số hộ cần bố trí tái định cư là 115 hộ. Số mộ chí phải di chuyển khoảng 3.526 ngôi.

Điều người dân quan tâm nhất là đơn giá bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Thành phố Hà Nội đang thực hiện Quyết định số 10 ngày 29/3/2007 về thu hồi đất và Quyết định số 30 ngày 31/12/2019 về đơn giá bồi thường. Theo ông Đỗ Xuân Đáng, Chủ tịch UBND xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội - giá bồi thường, hỗ trợ GPMB trên địa bàn của huyện Hoài Đức cũng như xã Minh Khai từ năm 2008 đến nay hơn 10 năm nay không thay đổi. Trong khi đó, các giá cả các nội dung khác cũng đã thay đổi nhiều.

“Chúng tôi cũng xác định với nhân dân đây là một trong những dự án rất ý nghĩa đối với đất nước, đối với Thủ đô. Cho nên thôi thì thu hồi thời điểm nào nhân dân ủng hộ ở thời điểm đấy. Đồng thời các cấp bên cạnh hỗ trợ bồi thường thì cũng thưởng một chút thôi, nhưng mang ý nghĩa động viên nhân dân và tạo thuận lợi để chúng tôi tuyên truyền. Đến nay thì nhân dân cũng đều đã đồng tình. Quan trọng nhất là làm sao cho nhân dân hiểu được xong đường càng sớm càng tốt thì lợi ích của đất nước, của Thủ đô, của địa phương sẽ sớm được hưởng lợi. Lợi ích nhỏ phải hy sinh thì nhân dân cũng có những băn khoăn nhưng chủ trương lớn đang được người dân ủng hộ” - ông Đỗ Xuân Đáng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở cho hay, khi biết có đường vành đai 4, cầu Mễ Sở nối huyện Văn Giang với huyện Thường Tín thì người dân rất khấn khởi, vui mừng. Hoạt động giao thương, buôn bán cây cảnh, rau củ quả qua lại giữa Hưng Yên và Hà Nội sẽ thuận lợi hơn, thu nhập, đời sống của người dân sẽ được nâng cao. Còn ông Lê Anh Tuấn, Bí thư xã Mễ Sở cho biết, người dân xã rất mong muốn đường vanh đai 4 sẽ có vòng xuyến xuống trên địa bàn xã Mễ Sở, qua đó khai thác được cả tuyến đê tả sông Hồng, góp phần vào việc thực hiện khai thác tuyến đường tâm linh dọc theo sông Hồng của tỉnh Hưng Yên.

Đồng thuận để cùng phát triển

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.800 tỷ đồng, đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 35,3 km, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.274 tỷ đồng (trong đó, dự án thành phần 1.3: GPMB toàn tuyến đối với tỉnh Bắc Ninh là 2.480 tỷ đồng; Dự án thành phần 2.3: Đầu tư hệ thống đường đô thị song hành thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh là 2.794 tỷ đồng). Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã lựa chọn đơn vị tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường; hoàn thành công tác đo đạc bản đồ, thống kê quy chủ sử dụng đất, công khai bản đồ trích đo hiện trạng, đề xuất phương án tái định cư...

Quá trình triển khai dự án, tỉnh Bắc Ninh nhận thấy một số khó khăn như: Các cơ quan Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.3; Chưa có văn bản thống nhất về hướng tuyến, giải pháp thiết kế nút giao, cầu vượt ngang, giải pháp kỹ thuật tại các vị trí tiếp giáp… để có đủ cơ sở pháp lý triển khai dự án thành phần.

Do đó, lãnh đạo hai địa phương Hà Nội và Bắc Ninh tập trung trao đổi, tháo gỡ những khó khăn mà tỉnh Bắc Ninh cũng như thành phố Hà Nội đang vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sơ đó, thống nhất đề xuất các bộ, ngành Trung ương rút ngắn các thủ tục, thời gian thỏa thuận giao cắt tuyến đường sắt Lim - Phả Lại với tuyến vành đai 4; thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án thành phần; sớm hướng dẫn chi tiết chủ đầu tư thực hiện các nội dung lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.3; Hướng dẫn, phân bổ, ứng vốn, chi giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 hoặc 2023 trước khi dự án thành phần 1.3 được quyết định đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cũng đề nghị sớm họp Ban Chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc trong quá trình triển khai. Đơn vị tư vấn và các cơ quan chức năng của Hà Nội quan tâm các nhánh lên xuống của Bắc Ninh để đảm bảo quá trình khai thác, vận hành, phát huy không gian, dư địa phát triển của vành đai 4.

Tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - một trong ba tỉnh, thành có đường Vành đai 4 đi qua - công tác quy chủ, kiểm đếm, di chuyển mộ chí, bồi thường GPMB cũng đang được tiến hành khẩn trương. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết, Dự án đường Vành đai 4 qua huyện Văn Giang theo quy hoạch có tổng chiều dài 10.127km, tổng diện tích thu hồi dự án dự kiến khoảng 123,9ha, số hộ có diện tích thu hồi khoảng 3.245 hộ, số lượng mồ mả cần di chuyển khoảng 2.170 ngôi mộ (chưa kể số lượng mồ mả đơn lẻ), số lượng nhà ở khoảng 532 nhà, 1 nhà thờ… Theo lãnh đạo huyện Văn Giang, công việc là rất nhiều, song nhờ có kinh nghiệm trong việc từng triển khai các dự án lớn nên huyện đã sớm công khai, minh bạch thông tin về dự án, minh bạch về chính sách thu hồi đất; tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của tuyến đường Vành đai 4 với sự phát triển kinh tế - xã hội… nhằm tạo sự đồng thuận, hợp tác của người dân trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng.

Sau hơn 10 năm ấp ủ, “siêu dự án” Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được 3 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên triển khai mạnh mẽ. Đây là một công trình lớn, tác động lan tỏa đến cả một vùng kinh tế quan trọng nên rất cần những chính sách đặc biệt, bao gồm cả đơn giá đền bù đặc biệt, phương hướng tái định cư đặc biệt, đáp ứng an sinh xã hội lâu dài cho người dân. Cung đường mùa xuân - con đường tương lai đang hình thành từ những nỗ lực, hy sinh của các cấp chính quyền và người dân từ ngày hôm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải phóng mặt bằng, cải tạo xung quanh di tích đền Bà Kiệu
Giải phóng mặt bằng, cải tạo xung quanh di tích đền Bà Kiệu

VOV.VN - Đền Bà Kiệu - di tích lịch sử cấp quốc gia - chuẩn bị tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ công tác cải tạo hạ tầng kỹ thuật xung quan di tích.

Giải phóng mặt bằng, cải tạo xung quanh di tích đền Bà Kiệu

Giải phóng mặt bằng, cải tạo xung quanh di tích đền Bà Kiệu

VOV.VN - Đền Bà Kiệu - di tích lịch sử cấp quốc gia - chuẩn bị tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ công tác cải tạo hạ tầng kỹ thuật xung quan di tích.

Bình Định tập trung giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam
Bình Định tập trung giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

VOV.VN - Chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% mặt bằng sạch vào 20/11 tới.

Bình Định tập trung giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Bình Định tập trung giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

VOV.VN - Chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% mặt bằng sạch vào 20/11 tới.

Hoàn thành giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành trước 15/8/2022
Hoàn thành giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành trước 15/8/2022

VOV.VN - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 215/TB-VPCP ngày 22/7/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hoàn thành giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành trước 15/8/2022

Hoàn thành giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành trước 15/8/2022

VOV.VN - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 215/TB-VPCP ngày 22/7/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.