Về quê đón Tết
VOV.VN -Mùa xuân mới đã về, trong sâu thẳm mỗi người luôn có sự thôi thúc mãnh liệt tìm cội nguồn để cảm nhận không khí ấm áp nơi quê nhà.
Cẩn thận bọc, gói kỹ lưỡng chậu hoa Lan Hồ Điệp mới mua để làm quà trang trí nhà cửa cho người thân ở quê, chị Nguyễn Thị Hạnh (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Sinh ra và lớn lên trên đất lúa Thái Bình, chị cùng gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống đã lâu, cộng thêm việc kinh doanh bận rộn nên nhiều năm nay chưa có dịp về quê đón Tết.
Bởi vậy, những ngày Tết, trong thâm tâm chị luôn hướng về quê hương, mong được đón Tết ấm áp tại quê hương- nơi mình sinh ra.
Nhiều gia đình chọn Lan Hồ Điệp làm quà biếu người thân trong dịp Tết |
Từ khi lập gia đình, đây cũng là năm thứ hai chị đưa cả nhà về quê đón Tết cùng họ hàng, người thân.
Chị Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Bây giờ các cháu đã lớn, nên tôi cũng muốn cho các cháu về quê ăn Tết để biết không khí đón Tết ở quê, nhìn các ông bà gói bánh chưng và các trò chơi dân gian. Tôi cũng muốn con tôi về đó chứ ở thành phố thì cái gì cũng có sẵn nên không có không khí như vậy. Bây giờ chỉ có dịp Tết mới có thời gian đưa con về để chung vui, tụ họp với gia đình”.
Háo hức cùng bố mẹ chuẩn bị đồ Tết, được về quê thăm ông, bà, họ hàng, người thân, nhất là xúng xính diện bộ quần áo mới đi chơi Tết, cháu Nguyễn Hoàng Minh (6 tuổi), con trai chị Nguyễn Thị Hạnh không dấu được niềm vui.
“Con rất thích về quê ăn Tết vì có nhiều các bạn chơi với con nên rất vui. Năm vừa rồi được bố mẹ đưa về quê ăn Tết con rất vui và được đưa đi chơi các trò chơi thích lắm”, cháu Minh cho biết.
Không chỉ gia đình chị Hạnh, mà với mọi người thì ở đâu cũng có thể hưởng không khí ngày Tết, nhưng có lẽ không ở đâu thay thế được không khí ngày Tết tại chính gia đình nơi mình sinh ra và lớn lên.
Vì chỉ khi đi xa mới biết thế nào là nhớ nhà, mới cảm nhận niềm vui khi trang hoàng nhà cửa, cùng nhau thưởng thức bữa cơm tất niên, điều mà trước đây đối với tuổi thơ của nhiều người vốn rất đỗi bình thường, nhưng khi xa quê lại trở nên thiêng liêng.
Vì vậy, dù khó khăn đến đâu thì mỗi người vẫn cố gắng thu xếp để có thể trở về vui xuân, đón Tết cùng gia đình sau những tháng ngày bươn trải nơi phố thị phồn hoa.
Đó cũng là tâm lý của anh Phạm Viết Giang (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Anh Giang cho hay: Do tính chất công việc phải đi công tác xa nhà nên dịp cuối năm là khoảng thời gian trọn vẹn anh dành cho gia đình.
Năm nay, anh muốn đưa con về quê đón Tết, trước là để các cháu biết quê hương nguồn cội, sau là để các cháu được tiếp cận với không gian sinh hoạt văn hóa mới. Anh Phạm Viết Giang cho biết: “Hai cháu nhà tôi chưa được về quê ăn Tết lần nào. Tết này tôi cho cháu về quê để thay đổi không khí và cho các cháu biết tập tục đón Tết người ở quê như thế nào và qua đó các cháu sẽ học hỏi được thêm nhiều thứ. Các cháu rất háo hức khi nghe năm nay được về quê đón Tết cùng với ông bà, bố mẹ”.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: “Lá rụng về cội” từ lâu đã là truyền thống của người Việt Nam.
Văn hoá nổi bật của những ngày Tết Việt, đó là không khí đầm ấm, thân thuộc trong gia đình, dòng tộc. Qua đó, mọi người hoà mình vào các sinh hoạt văn hoá cộng đồng làng Việt với những không gian đặc trưng, đó cũng là dịp để mọi người xích lại gần nhau. Vì thế, đối với những người xa quê, thì về quê đón Tết chính là điều mà ai ai cũng mong muốn.
“Ngày Tết cổ truyền của dân tộc đối với người Việt là ngày rất thiêng liêng, bởi một năm chỉ có một lần, nên những người đi làm ăn xa cũng muốn trở về quê hương, để gặp gỡ tất cả các thành viên cùng nhau nói chuyện một năm đã làm được những gì. Dù sao giá trị lớn nhất đó là cộng cảm và cộng mệnh, do đó, người ta về quê hương, nơi đã sinh ra. Để cho con cái biết được những truyền thống, những phong tục rất đơn giản của người dân quê, đó cũng là điều quan trọng để không đánh mất đi bản sắc riêng có”, TS Nam cho phân tích.
Tết là khoảng thời gian thiêng liêng, nhất là đối với những người con xa được về quê đón Tết. Khi ấy, cảm xúc của họ lâng lâng, háo hức có khi trước Tết đến cả tháng trời, khi họ lo vé tàu xe về quê, hay được gặp lại người thân và khoe những thành quả lao động trong suốt thời gian qua...
Còn gì tuyệt vời hơn với những người con xa quê có dịp đắm mình trong những tục lệ truyền thống trong ngày Tết.
Dù cuộc sống có thay đổi bao nhiêu, nhịp sống có khẩn trương thế nào thì cứ Tết đến xuân về, người Việt luôn hướng về những điều tốt đẹp nơi quê cha đất tổ. Đó là nét đẹp văn hóa từ bao đời nay của những con người đất Việt./.
Tết để trở về, Tết là nguồn cội
Có được hưởng BHYT khi đi khám, chữa bệnh những ngày nghỉ Tết?
Khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tuất 2018
Kẹt xe ở khu vực bến xe miền Đông trong chiều 28 Tết
Cung bậc cảm xúc ở sân ga Đà Nẵng chiều 28 Tết