Về thăm vùng đất anh hùng Hòn Đất – Kiên Giang

Hòa bình lập lại, vượt qua tất cả gian khổ, nghèo khó, kiệt quệ do chiến tranh tàn phá, Đảng bộ và quân dân xứ đã bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Hiện nay, Hòn Đất là một trong những vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Kiên Giang.

30 năm kháng chiến, quân và dân Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đã vượt qua biết bao gian khổ, đấu tranh kiên cường cho đến ngày toàn thắng. Đặc biệt là trận đánh 78 ngày đêm và trận đánh 123 ngày đêm của quân và dân huyện Hòn Đất trong kháng chiến chống Mỹ đã góp phần không nhỏ cho thắng lợi của chiến trường khu 9, tiến tới giành thắng lợi trọn vẹn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hòn Đất lại bắt tay vào khôi phục nền kinh tế vốn đã bị kiệt quệ bởi chiến tranh tàn phá thành một vùng đất màu mỡ, trù phú. Hiện nay, Hòn Đất là một trong những vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Kiên Giang.

Những trang sử vàng chói lọi

Nghe âm thanh tại đây
Trong kháng chiến chống Mỹ, địa danh Ba Hòn gồm Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Sóc là một chốt quan trọng trên tuyến đường 1C. Vì vậy cuối tháng 8/1969, địch đã tập trung hàng chục ngàn quân, trận địa pháo, máy bay nhằm tấn công, tiến chiếm Ba Hòn. Nhờ địa hình hiểm trở cộng với sự mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ mà sau 78 ngày đêm quần nhau với địch ta đã toàn thắng. Gần 3.000 tên địch đã bị loại ra khỏi vòng chiến. Nhiều phương tiện chiến tranh như máy bay, pháo, đạn dược đã bị quân ta phá hủy. Tuyến đường vận chuyển chiến lược 1C trở nên thông suốt, an toàn là điều kiện để Quân khu 9 tấn công địch tốt hơn.

Từng tham gia trực tiếp trong trận đánh 78 ngày đêm lịch sử ở Hòn Đất với vai trò là Chính trị viên đại đội 5, tiểu đoàn 207, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thanh Hòa, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Rạch Giá nhớ lại: “Ban đầu địch đổ quân xuống Hòn Đất, B52 rải từ Vàm Răng lên Lình Huỳnh. Sau khi cho máy bay và pháo bắn tan nát Ba Hòn thì địch bắt đầu đổ quân, trong khi đó ngoài biển thì chúng cho tàu ngăn chặn. Ý định của chúng là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm nhiệm vụ chuyển quân ra và chuyển lương thực vào cho Ba Hòn”.

Đại tá Đinh Quốc Khải, hiện là Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, ông tham gia trận đánh mới chỉ 17 tuổi và chiến thắng 78 ngày đêm ở Hòn Đất trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Đêm 2/9 chúng đánh B52, sáng chúng đổ bộ bao vây Hòn Đất khiến cho cả hòn hết gạo nhưng anh em vẫn duy trì qua được lúc khó khăn này”.

Hơn 30 năm chiến tranh trường kỳ và gian khổ, Đảng bộ và quân dân Hòn Đất đã ghi nên những trang sử vàng chói lọi. Không ít người con của Hòn Đất đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mỗi địa danh của Hòn Đất còn in dấu nhiều chiến công để các thế hệ sau ghi nhớ. Để ghi nhận những thành tích của quân và dân Hòn Đất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho địa phương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những nông dân – anh hùng vượt khó

Hòa bình lập lại, vượt qua tất cả gian khổ, nghèo khó, kiệt quệ do chiến tranh tàn phá, Đảng bộ và quân dân xứ đã bắt tay vào xây dựng lại quê hương. Cách đây 10 năm, sản lượng lương thực của cả huyện chưa đến 335.000 tấn, thì nay con số này đã gần 1 triệu tấn. Thu nhập bình quân đầu người từ 4 triệu/người/năm; nay đã tăng lên hơn 16,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn hơn 4%. Những căn nhà xây kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều.

Khi đã có của ăn của để, người dân chăm lo hơn đến việc học hành của con cái, chăm chút hơn chất lượng cuộc sống cho bản thân. Song song đó, những công trình phúc lợi xã hội như điện, đường, trường, trạm phục vụ trực tiếp đời sống dân sinh được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư kịp thời. Cuộc sống của người dân dần tiện nghi, hiện đại và văn minh hơn. Những người chiến binh ngày xưa buông tay súng, bắt tay cày, luôn phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực lao động sản xuất vươn lên làm giàu.

Ông Thái Hoàng Thành, thương binh 4/4 ở xã Nam Thái Sơn cho biết: “Vùng đất này trước đây rất khó khăn, chiến tranh tàn phá. Lúc mới về, tôi cũng như bà con ở đây sống rất khó khăn, chỉ sạ được lúa nổi…. Nhưng từ khi Trung ương đầu tư cải tạo các con kênh, đời sống của người dân ở Nam Thái Sơn rất sung túc”.

Trong những ngày này, thời tiết ở Kiên Giang trở nên oi bức hơn. Cái nắng như đổ lửa đã khiến cho một số nơi trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề do đất đai bị nhiễm phèn, mặn trở lại. Nhưng đối với huyện Hòn Đất, diện tích sản xuất lúa vẫn được bảo vệ an toàn. Có được điều kỳ diệu này phải nói đến tác dụng to lớn của công trình thoát lũ ra biển Tây được xây dựng vào năm 1998 và hàng chục cống ngăn mặn giữ ngọt được Nhà nước đầu tư xây dựng. Hàng ngàn ha đất hoang hóa, nhiễm phèn mặn chỉ sản xuất được 1 vụ lúa bấp bênh nay đã biến thành vùng đất màu mỡ, sản xuất một năm 2 vụ lúa ăn chắc với năng suất từ 5-8tấn/ha.

Anh Bùi Hùng Thường, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hòn Đất cho biết: “Những năm qua, Hòn Đất được sự đầu tư rất lớn của Trung ương và tỉnh để xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, nâng diện tích sản xuất lúa 2 vụ của huyện lên 75.000 ha… Hiện nay diện tích đất hoang hóa trong huyện hầu như không còn”.

Không chỉ đơn thuần sản xuất lúa mà người nông dân Hòn Đất còn áp dụng khoa học kỹ thuật để phục tráng, lai tạo và chọn giống lúa cho vùng đất của mình. Công việc tưởng chừng như chỉ có những nhà khoa học, những kỹ sư nông nghiệp mới làm được thì nay, chính những người nông dân trực tiếp làm ra hạt lúa đã rất thành công trong lai tạo giống. Nông dân Nguyễn Văn Tính ở xã Mỹ Lâm là một điển hình tiêu biểu. Các giống lúa HĐ như HĐ1, HĐ 12, HĐ10, HĐ9… do anh lai tạo đã được đông đảo nông dân vùng ĐBSCL ưa chuộng bởi đặc tính ngắn ngày, ngon cơm, đặc biệt khả năng chống chịu sâu bệnh, bệnh vàng lùn rất cao. Mỗi năm anh cung cấp ra thị trường gần 1.000 tấn giống. Giống HĐ1 đã được Bộ Nông nghiệp công nhận là giống quốc gia. Anh cũng là 1 trong 50 nông dân được Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn tôn vinh là “Nông dân sản xuất lúa sáng tạo toàn quốc”.

Anh Nguyễn Văn Tính chia sẻ: “Mình nghiên cứu xem bộ giống nào chịu ở vùng đất mình để mình đem về nhân rộng ra cho bà con làm. Cái này chỉ có đam mê mới làm được, còn không có đam mê thì không làm được.”

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến ông “vua khoai lang” ai cũng biết đến đến ông Đỗ Quý Hạo, tỷ phú khoai lang từ ý tưởng táo bạo kinh doanh qua mạng. Từ một vùng đất xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn nhưng ông vẫn quảng bá sản phẩm của mình ra thế giới từ công nghệ thông tin internet. Mỗi năm ông xuất vài trăm tấn khoai lang ra nước ngoài, giúp cho hàng trăm nông dân vùng đất này thoát nghèo, làm giàu. Và còn rất nhiều những điển hình tiên tiến trong sản xuất, trong lao động sáng tạo ở huyện Hòn Đất. Chính những cá nhân tiêu biểu này đã góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Hiện nay, huyện Hòn Đất đã và đang hình thành những trung tâm thương mại đô thị lớn như trung tâm thương mại thị trấn Hòn Đất, khu đô thị mới xã Thổ Sơn, khu du lịch Ba Hòn… làm thay đổi diện mạo đáng kể cho địa phương. Về định hướng phát triển tới, ông Bùi Văn Đạt, Phó Bí thư Huyện uỷ Hòn Đất cho biết, phương hướng tới Hòn Đất xác định thế mạnh vẫn là sản xuất nông nghiệp, trong đó dồn sức các nguồn lực để khai thác, phát huy những tiềm năng lợi thế của từng vùng.

Là một vùng đất chua phèn, sản xuất nông nghiệp là chính thế nhưng với những chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cộng với tính cần cù, sáng tạo của người dân Hòn Đất đã khiến cho vùng đất này “thay da đổi thịt” sau 35 năm chiến tranh. Những người nông dân “một nắng hai sương” đã đưa những mặt hàng nông sản bình dị của địa phương như hạt lúa, củ khoai thành những đặc sản vươn xa ra thế giới. Qua đó nhằm giới thiệu với bạn bè năm châu thương hiệu của Hòn Đất và cũng khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết, lao động, sáng tạo của người dân Hòn Đất nói riêng và người dân Việt Nam nói chung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên