Chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, lâm, thủy sản:

Vi phạm vẫn tiếp diễn

Đây là vấn đề “nóng” của xã hội, song, việc kiểm tra, đánh giá và cách thức giải quyết vấn đề này vẫn chưa được như mong muốn

Khoảng gần một phần ba “báo động đỏ”

Trong đợt thí điểm kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản tại Thanh Hóa và Tiền Giang, Bộ NN&PTNT đã tập trung vào 10 điểm “nóng”, gây nhiều bức xúc trong dư luận: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, giống cây trồng lâm nghiệp; cơ sở sơ chế, chế biến rau quả; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; nước sinh hoạt nông thôn; cơ sở sản xuất nước mắm và sản phẩm dạng mắm.

Một cơ sở sấy chè ở Thái Nguyên

Tại Thanh Hóa, qua kiểm tra 9 nhóm sản phẩm tại 252 cơ sở thì có tới 73 cơ sở không đạt tiêu chuẩn (loại C), chiếm 29%; con số này ở Tiền Giang còn lớn hơn, với 335/1007 cơ sở không đạt tiêu chuẩn, chiếm 33%. Kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản (cảng cá, chợ cá, cơ sở thu gom, sơ chế, lưu giữ, đóng gói, bảo quản thủy sản và cơ sở sản xuất nước mắm, sản phẩm dạng mắm) tại 24 tỉnh, thành cũng cho thấy, có khoảng 60% cơ sở không đạt.

Vi phạm chủ yếu là khoảng cách giữa cơ sở chế biến với khu dân cư chưa đạt yêu cầu, chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thiếu biện pháp bảo vệ môi trường. Riêng với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, hầu hết các cơ sở đều không có trang thiết bị kiểm soát chất lượng, quy phạm vệ sinh lao động chưa đảm bảo.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, ngành thú y cần tham mưu cho chính quyền xã vào cuộc kiểm tra, xử phạt vì cán bộ thú y không có năng lực cũng như quyền hạn để xử phạt. Nếu cứ để tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tràn lan, không giấy phép thì dịch bệnh sẽ lây lan, khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc kiểm tra các cơ sở chưa được cấp phép quản lí kinh doanh hoặc kinh doanh nhiều mặt hàng tổng hợp gặp khó khăn vì còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn làm cơ sở đánh giá và chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong khi đó, các quy định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm còn chưa đồng bộ và chưa đủ tính răn đe. Các cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh còn khá phổ biến; nguồn lực và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm nghiệm còn hạn chế...

Đại diện Cục Thú y thừa nhận, việc kiểm tra, xử phạt rất khó khăn với các cơ sở giết mổ có quy mô nhỏ lẻ. Theo quy định, việc giết mổ phải có giấy phép hành nghề nhưng tại các vùng nông thôn hầu như không thực hiện được. Nguyên nhân là do việc cấp phép giết mổ không thống nhất. Nơi thì giao cho ngành công thương, nơi giao cho ngành y tế nên không rõ trách nhiệm.

Thống nhất khung pháp lý để kiểm soát

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong năm 2011 Bộ sẽ nhân rộng hoạt động kiểm tra thí điểm chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên phạm vi toàn quốc. Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT (ban hành ngày 29/3/2011 về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản) đi vào cuộc sống sẽ giúp thống nhất khung pháp lí quy định việc thống kê, kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất; kiểm tra thường xuyên có hệ thống để áp dụng các chế độ kiểm tra và xử lý khác nhau đối với các cơ sở vi phạm. Theo đó, các lỗi và phân loại đối với cơ sở sản xuất kinh doanh được phân thành 3 mức: nhẹ, nặng và nghiêm trọng; 3 mức phân loại: A (tốt), B (đạt) và C (không đạt).

Việc tiến hành kiểm tra sẽ bao gồm cả cấp Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Nghĩa là cơ sở kinh doanh, sản xuất nằm ở đâu, do cấp nào cấp phép sẽ do chính cấp đó quản lý. Những cơ sở chưa đạt sẽ được tập trung ưu tiên tăng cường kiểm tra, hướng dẫn; còn những cơ sở tốt thì 1 năm chỉ cần kiểm tra 1 lần. Như vậy, việc kiểm soát, kiểm tra sẽ sát sao, hiệu quả hơn.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, bổ sung các biểu mẫu thống kê, tiêu chí đánh giá phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản đối với các nhóm sản phẩm còn thiếu; đồng thời xây dựng các văn bản pháp quy như: quy định về truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Nhanh chóng triển khai rà soát, xây dựng danh mục, kế hoạch các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật từ nay đến năm 2015 đối với chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên