Vì sao 1 hiệu trưởng giỏi phải làm đơn xin nghỉ việc?
VOV.VN - Việc một nhà giáo có uy tín, làm đơn xin nghỉ việc trước thời hạn là một sự việc đáng tiếc đối với phụ huynh và học sinh trường PTTH Võ Văn Kiệt.
Nhận thấy việc điều động được ban hành vội vã, khó hiểu đã khiến cho thầy giáo Nguyễn Đình Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chất lượng cao Võ Văn Kiệt ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, ở tuổi sắp về hưu đã làm đơn xin trả quyết định điều động kèm theo đơn xin nghỉ việc. Vụ việc cũng khiến dư luận ở TP Rạch Giá xôn xao trong những ngày qua.
Từ Hiệu trưởng trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, đến tháng 8/2016, thầy giáo Nguyễn Đình Chung được điều động về làm Hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt (nhiệm kỳ 2016 – 2021).
Trường THPT Võ Văn Kiệt |
Theo đơn trình bày của Thầy Chung, ngày 1/8, Giám đốc Sở có điện thoại trao đổi về việc sẽ điều chuyển ông về làm phó trưởng phòng Phòng THPT của Sở. Khi đó ông đã bày tỏ nguyện vọng được ở lại trường công tác vì còn khoảng 4 năm nữa về hưu; ông muốn cống hiến tất cả cho ngôi trường này.
Lãnh đạo Sở chưa có ý kiến gì. Ông lại tiếp tục làm đơn trình bày nguyện vọng. Tuy nhiên ngay sau đó, lãnh đạo Sở triệu tập cuộc họp lấy ý kiến điều động ông về phòng THPT, ban hành quyết định điều động và triển khai ngay trong chiều 17/8. Bất ngờ và cảm thấy bị tổn thương của một nhà giáo, ông Chung sau đó đã làm đơn xin trả lại quyết định, đồng thời làm đơn xin nghỉ việc.
Ông Chung cho rằng, việc điều động này quá bất thường và mình đang bị đối xử giống như một người phạm tội khi Sở đề nghị niêm phong con dấu của ông để “tránh xảy ra những chuyện phiền phức”, trường cũng cho bảo vệ nghỉ việc ngay sau đó.
Tại buổi làm việc với Đài TNVN, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho rằng: “Trường PTTH Võ Văn Kiệt là trường chất lượng cao đầu tiên của tỉnh. Do vậy, áp lực cho ngành là rất lớn, nên trước đó Sở đã điều động ông Chung về làm hiệu trưởng vì ông là một nhà giáo giỏi, có tiếng. Đồng thời, chúng tôi cũng thừa nhận việc triển khai quyết định điều động ông Nguyễn Đình Chung “có cập rập, chưa thấu tình đạt lý” nhưng vẫn “đúng quy trình”.
Một mặt lãnh đạo Sở cũng cho rằng: ông Chung là một nhà giáo giỏi, Sở đang cần người giỏi như vậy để điều hành phòng giáo dục phổ thông nên Sở điều động về làm… phó trưởng phòng để quen việc khi nào trưởng phòng THPT về hưu sẽ bổ nhiệm lên trưởng phòng. Thế nhưng, liệu ông Chung có đủ thời gian được bổ nhiệm theo quy định không?
Tham gia BHXH có lợi hay thiệt hơn bảo hiểm thương mại?
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở cũng nói, ông Chung có sai phạm trong quản lý tại trường như về chuyên môn không thực hiện theo chỉ đạo của Sở, về tác phong thì chưa phù hợp vì ông “Chung làm việc quá nghiêm túc đến nghiêm khắc khiến cho giáo viên sợ, làm cho không khí ở trường nặng nề”.
Vì vậy, bà không yên tâm để ông tiếp tục làm hiệu trưởng. Sai phạm của ông, theo lãnh đạo Sở là kết luận kiểm tra tài chính của Sở nêu rõ: “hạn chế của nhà trường là thuê làm bảng mica, thông báo của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa có hợp đồng tiền công; mua màn cửa cho các phòng học và ký túc xá học sinh chưa thể hiện đủ 3 báo giá, chưa có quyết định lựa chọn nhà cung cấp; hợp đồng làm xào treo quần áo ký túc xá học sinh, chi từ nguồn quỹ hội cha mẹ học sinh nhưng nhà trường ký hợp đồng là không đúng quy định”.
Được biết, trong năm học mới này, điểm tuyển sinh đầu vào lớp 6 và lớp 10 tại trường Võ Văn Kiệt là 22,5 điểm. Trường chỉ là nơi tổ chức kỳ thi, còn Sở chấm bài và xét điểm chuẩn. Sau khi đã công bố điểm chuẩn, lãnh đạo Sở chỉ đạo nhà trường phải tuyển bổ sung thêm 70 học sinh lớp 10 và 68 học sinh lớp 6 với điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn mà Sở đề ra. Trong số này có 1 trường hợp điểm thi đầu vào sau khi nhân đôi 3 môn chỉ được 8 điểm.
Ông Chung không đồng ý nhận do học lực của học sinh này quá kém và đề nghị học tạm 1 năm ở trường khác, sau khi học lực tạm ổn nhà trường sẽ nhận vào học, nhưng lãnh đạo Sở buộc nhà trường phải nhận học sinh này vào học.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang thừa nhận việc chỉ đạo nhận học sinh với số điểm quá thấp 8/22,5 điểm là sai. Việc một nhà giáo có uy tín, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết làm đơn xin nghỉ việc trước thời hạn vì cho rằng mình bị điều động chưa hợp lý, hợp tình là một sự việc đáng tiếc đối với phụ huynh và học sinh trường PTTH Võ Văn Kiệt, tỉnh Kiên Giang.
Sau hơn 10 năm làm Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hùng Sơn, từ một trường thiếu thốn nhiều mặt, thầy giáo Nguyễn Đình Chung vì lòng yêu nghề và trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp trồng người, đã dày công xây dựng thành một ngôi trường khang trang, có đội ngũ giáo viên giỏi, chất lượng giáo dục vươn lên qua từng năm học....
Sau 2 nhiêm kỳ làm Hiệu trưởng trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt luôn là một trong những trường có chất lượng đậu đại học cao trong cả nước, góp phần tạo nguồn nhân lực tốt cho tỉnh nhà, kết quả các kỳ thi khu vực, Olympic 30/4, các kỳ thi quốc gia đều đạt giải, là ngôi trường mà các học sinh đều nỗ lực học tập để phấn đấu được vào học.
Sau 1 năm điều hành trường THPT Võ Văn Kiệt, học sinh nhà trường đạt 2 giải ba, 1 giải khuyến khích cấp quốc gia về bài liên môn của học sinh, 1 giải khuyến khích toán cấp thành phố, giải nhì toán mở rộng ở Hà Nội, đó là tín hiệu tốt không chỉ của trường THPT chất lượng cao Võ Văn Kiệt mà cả niềm tin của phụ huynh khi đưa con em mình vào học tại đây./.