Vì sao hơn 300.000 thí sinh không nhập nguyện vọng dù đăng ký xét tuyển đại học?
VOV.VN - Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, thời điểm đăng ký thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thêm 1 phần để đánh dấu có xét tuyển đại học hay không. Nhưng thời điểm đó thí sinh chưa thi, chưa biết điểm thi nên việc đăng ký chưa phải quyết định cuối cùng.
Đến 17h ngày 20/8 – thời hạn cuối cùng để đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 2022, cả nước có hơn 616.500 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên tổng số 942.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển đại học trước đó. Điều này có nghĩa hơn 300.000 thí sinh đã không nhập nguyện vọng xét tuyển đại học. Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT triển khai đăng ký xét tuyển đại học trực tuyến, điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn, số lượng gần 1/3 thí sinh không đăng ký nguyện vọng do chưa nắm rõ thời hạn đăng ký, hay đây là sự lựa chọn của thí sinh?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD- ĐT đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này.
PV: Thưa bà, con số 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay đang khiến dư luận có nhiều băn khoăn, bà đánh giá sao về dữ liệu tuyển sinh này?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Nếu so sánh với số liệu thí sinh đăng ký xét tuyển đại học những năm gần đây sẽ thấy số thí sinh đăng ký năm nay giảm nhẹ. Thời điểm đăng ký thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thêm 1 phần để đánh dấu có xét tuyển đại học hay không. Nhưng thời điểm đó các em chưa thi, chưa biết điểm thi nên việc đánh dấu vào ô có xét tuyển cũng chưa phải quyết định cuối cùng.
Một điểm mới trong xét tuyển đại học năm nay là thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học thực sự sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Thời điểm này, các em đăng ký nguyện vọng sẽ thực chất hơn nhiều, giúp giảm bớt những thí sinh ảo khi các em thấy không có đủ cạnh tranh để học trong hệ thống giáo dục đại học, chưa đáp ứng được mức điểm sàn của các trường.
Ngoài ra, thời điểm thi tốt nghiệp xong thí sinh cũng có nhiều lựa chọn khác như đi du học. Hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới đã được kiểm soát, các em có thể du học ở nhiều quốc gia khác nhau. Điều này cũng làm giảm một một lượng đáng kể thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Số liệu hơn 600.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là con số thực, chính xác, thể hiện rõ nguyện vọng của thí sinh, điều này rất bình thường.
Con số này cũng phù hợp, thể hiện sự nỗ lực của toàn hệ thống trong tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu xét tuyển, đồng thời tiết kiệm chi phí cho xã hội.
PV: Có một số ý kiến cho rằng việc giảm số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cho thấy công tác phân luồng hướng nghiệp ở bậc THPT đã có những hiệu quả nhất định, khi nhiều thí sinh có thể coi đại học không còn là hướng đi duy nhất, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Như đã phân tích, con số hơn 900.000 thí sinh đăng ký ban đầu chưa phải thực tế, con số chính xác là hơn 600.000 thí sinh mà hệ thống của Bộ GD-ĐT đã ghi nhận. Các em không đăng ký có thể do chưa đáp ứng được điểm sàn xét tuyển, đi du học… khi đã có quyết định, thì không cần đăng ký xét tuyển, tránh tốn kém mà không dùng đến nguyện vọng. Những con số này cũng thể hiện sự tích cực trong xác định phương hướng của mỗi thí sinh. Con số này cũng thể hiện sự phân luồng, hướng nghiệp theo đúng thực lực của học sinh đã phát huy hiệu quả.
Nói thêm rằng, thực tế số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học ban đầu đang vượt quá dung lượng mà giáo dục đại học Việt Nam có thể đào tạo được. Tổng số chỉ tiêu các trường công bố chưa đến 600.000, nếu hơn 900.000 thí sinh đăng ký thì vẫn có khoảng 300.000 em không đỗ đại học. Điều này cho thấy chúng ta cần đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ hơn nữa cho giáo dục đại học, bởi tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ đại học hiện nay tại Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới.
Nếu thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ rất khó đáp ứng nhu cầu của kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật và đặc biệt là cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số. Chúng tôi hy vọng giáo dục đại học có thể huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa để gia tăng về số lượng đào tạo nhưng đồng thời giữ vững và ngày càng nâng cao chất lượng, không hy sinh chất lượng để lấy số lượng. Do đó, việc huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục đại học là vô cùng quan trọng.
PV: Ngày 22/8, Bộ GD-ĐT thông báo mở lại hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cho phép thí sinh chỉnh sửa lại sai sót trong quá trình đăng ký trước đó, liệu đây có phải cơ hội Bộ GD-ĐT mở ra cho những thí sinh còn chưa đăng ký trong đợt vừa rồi?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Sau thời gian Bộ GD-ĐT mở địa chỉ email hỗ trợ thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học, có nhiều thí sinh còn sai sót, nhầm lẫn khi đăng ký xét tuyển, dù hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT vẫn hoạt động bình thường.
Nhằm tạo điều kiện, cơ hội cuối cùng để các thí sinh có thể chỉnh sửa nguyện vọng, Bộ GD-ĐT đã quyết định sẽ mở lại hệ thống cho đến 17h ngày 23/8 để nếu còn sai sót, thí sinh có thể chỉnh sửa lần cuối. Các em vẫn thực hiện thao tác từ đầu đến cuối, kết thúc quá trình thoát ra và kiểm tra lại nguyện vọng đã đăng ký. Bộ GD-ĐT cũng sẽ không nhận giải quyết yêu cầu trên email của thí sinh đã gửi, các em phải tự hoàn thiện trên tài khoản trực tuyến của mình.
PV: Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện lọc ảo chung toàn bộ các nguyện vọng của thí sinh ở tất cả các phương thức khác nhau, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường, điều này có ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường ĐH không, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT không xét tuyển thay cho các trường, các trường vẫn tải dữ liệu về xét tuyển theo chỉ tiêu và điểm chuẩn mà nhà trường xác định. Hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của thí sinh từ 1 đến hết, sao cho thí sinh đỗ được vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất mà các em đã ưu tiên. Với phương thức lọc ảo như năm nay, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, điều này giúp cho các trường giảm được lượng thí sinh ảo, bên cạnh đó, các em cũng có cơ hội rộng mở hơn khi không cần xác nhận nhập học sớm như những năm trước dẫn đến có thể đánh mất những cơ hội khác.
PV: Xin cảm ơn bà!./.