Vì sao khó giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội?
VOV.VN - Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Việc xử lý vấn đề này đang là bài toán khó. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm này.
Tình trạng nợ BHXH diễn ra ngày càng nhiều trong bối cảnh doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cùng với đó, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Trong khi hàng tháng, đơn vị sử dụng lao động đều khấu trừ tiền lương của người lao động các khoản bảo hiểm, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đóng khoản này cho cơ quan bảo hiểm. Hệ lụy là người lao động phải chịu thiệt đơn thiệt kép, mất đi rất nhiều quyền lợi chính đáng khi xảy ra các rủi ro như tai nạn lao động, ốm đau, thôi việc, nghỉ việc…
Việc nợ hay trốn đóng BHXH cho người lao động không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội, khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khốn khó.
Theo nhiều chuyên gia, hành vi vi phạm này không dễ xử lý. Về mặt luật pháp cũng đã quy định, có cả biện pháp hành chính, biện pháp xử lý hình sự nhưng không dễ thực hiện bởi những vướng mắc về cơ chế chính sách cũng như thực tiễn thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho hay, hiện tại chúng ta đang chứng kiến thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp. Trong khó khăn đó, xuất hiện tình trạng chậm lương và nợ đóng BHXH cho người lao động.
Nguyên nhân nổi bật nhất là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm dòng tiền, nguồn tiền để bổ sung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình trước bối cảnh tiếp cận nguồn tín dụng gặp khó cả về mặt thế chấp, cả về mặt kinh doanh, lãi suất và các điều kiện khác. Cùng với đó, kênh tiếp cận vốn trái phiếu của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, do vậy, họ coi việc nợ lương hay chậm đóng BHXH là một trong những cách thức để có được nguồn vốn rẻ, kịp thời trong tầm tay của mình.
Cũng theo ông Phong, vấn đề lý và luật đã có rồi, tuy nhiên cần xét rằng, nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH trong bao lâu thì phải phạt như thế nào, xử lý ra làm sao. Nếu làm căng đến mức độ đóng cửa doanh nghiệp và bắt chủ doanh nghiệp đi tù theo luật hình sự… thì doanh nghiệp sẽ bị “chết”, bị phá sản. Khi doanh nghiệp phá sản rồi thì tất cả khoản nợ sẽ không tìm kiếm được nguồn thay thế.
“Việc xử lý quá nghiêm tình trạng này sẽ gây ra một loạt hệ lụy. Chính sách nào cũng có 2 mặt của nó. Tôi cho rằng, việc xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH là bài toán khó. Nếu cứ làm đúng luật thì có thể được cái trước mắt, về trung, dài hạn có thể gây hậu quả lớn hơn. Bài toán này mặc dù đã có lời giải nhưng không dễ giải xét theo việc cân bằng giữa các mục tiêu, lợi ích, đặc biệt là các lợi ích xã hội”, ông Nguyễn Minh Phong cho biết.
Luật sư Nguyễn Chiến, Giám đốc Công ty luật Nguyễn Chiến nêu quan điểm, tình trạng nợ lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội và là bài toán khó giải đối với cơ quan chức năng trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi của người lao động. Theo Tờ trình của Chính phủ, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đang diễn ra rất phức tạp, ước tính số tiền bị chậm, bị trốn bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm.
Ông Chiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng nguyên nhân lớn nhất đó là do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ đến tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, may mặc, giày da, chế biến gỗ… đều gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, dẫn đến tình trạng chậm lương, chậm đóng BHXH.
Nguyên nhân tiếp nữa đó là do ý thức của một số bộ phận doanh nghiệp hiện nay không quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của người lao động, xem nhẹ tầm quan trọng của BHXH và thậm chí là coi thường quy định pháp luật liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quy định của Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Nguyên nhân gián tiếp khiến tình trạng nợ lương, nợ BHXH diễn ra phổ biến là việc một bộ phận người lao động chưa nhận thức được đúng và đủ về quyền lợi của mình nói chung và lợi ích BHXH mang lại nói riêng. Từ đó, khi gặp trường hợp bị nợ lương, nợ BHXH, họ thường dễ dàng thỏa thuận, bỏ qua hoặc không kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Cũng theo ông Chiến, hiện chúng ta đang gặp khó khăn trong việc xử lý và thi hành quyết định xử phạt. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vì khó khăn nên đã chậm đóng BHXH và chậm trả lương cho người lao động. Những trường hợp này, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phát hiện để xử lý đã khó, nhưng khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính rồi thì việc thực hiện lại còn khó hơn. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp khó thực thi có nhiều lý do như: doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính nộp phạt và chi trả lương, bảo hiểm cho người lao động. Bên cạnh đó cũng có rào cản từ quy định pháp luật liên quan đến việc cung cấp số tài khoản Ngân hàng của doanh nghiệp. Chế tài xử phạt đối với loại hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ nghiêm để răn đe và giáo dục. Thực tế có trường hợp doanh nghiệp tuyên bố phá sản, thay đổi pháp nhân hoặc dừng hoạt động để né tránh nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện đối với người lao động.
Thứ hai, quá trình xác minh tin báo, kiến nghị xác minh, xử lý liên quan đến việc chậm lương, chậm đóng BHXH, thậm chí là trốn đóng BHXH cũng chưa được tối ưu hóa do các nguyên nhân như hồ sơ chưa đầy đủ, việc xác minh các giấy tờ, thông tin, đối chiếu quy định của pháp luật để xử lý mất rất nhiều thời gian, quy trình thủ tục xử lý còn phức tạp, nặng nề về thủ tục.
Luật sư Nguyễn Chiến cũng cho hay, việc xử phạt đối với các dạng hành vi này nên có sự thay đổi theo hướng gia tăng, bổ sung nhiều hơn nữa biện pháp, chế tài xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH. Đây là phương hướng thay đổi trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới đây.
Cụ thể, cần thiết bổ sung thêm những quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Khi việc quản lý nhà nước được đề cao, hiệu quả, Nhà nước sẽ có những can thiệp và có chế tài sớm đối với những trường hợp có dấu hiệu trốn đóng BHXH và cần có quy trình, thủ tục xử lý rút gọn đối với những trường hợp có căn cứ rõ ràng doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có phương án phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn khắc phục tình trạng chậm lương hoặc chậm đóng BHXH; tăng cường biện pháp an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật về lao động, BHXH; tăng cường biện pháp phát hiện vi phạm và ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách, hướng đến bảo vệ tối đa quyền được tham gia và thụ hưởng BHXH cho người lao động.
“Thêm vào đó, cần xây dựng một hệ thống chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp chậm, trốn đóng BHXH bắt buộc. Các chế tài này cần được quy định rõ ràng và đúng về bản chất hành vi. Trên cơ sở đó mới quy định phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý và biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để áp dụng thêm các biện pháp như quyết định tạm ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, khởi tố hình sự đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động cũng có thể được quy định để áp dụng đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng hoặc vi phạm các quy định khác của Luật Bảo hiểm xã hội”, luật sư Nguyễn Chiến nhấn mạnh.