Vì sao ngành y tế cần thay đổi trang phục?
VOV.VN - Bộ Y tế cho rằng, hiện trang phục y tế đang còn nhiều bất cập và chưa thống nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh, sắp tới, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư về thay đổi trang phục y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng khác biệt màu sắc để bệnh nhân và người nhà dễ nhận biết các chức danh nghề nghiệp. Dự thảo thông tư quy định về trang phục y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh đang được Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Đổi mới trang phục để góp phần đổi mới phong cách phục vụ
Giải thích lý do tại sao thay đổi trang phục, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Hiện trang phục y tế đang còn nhiều bất cập và chưa thống nhất trong các cơ sở khám, chữa bệnh, gây khó khăn trong việc nhận diện cán bộ, viên chức y tế qua trang phục khi cần liên hệ công việc.
Không những thế, guốc, dép của người hành nghề không đúng quy định nên gây tiếng ồn nơi phòng bệnh. Trang phục của một số cán bộ y tế cũ không bảo đảm và kiểm soát nhiễm khuẩn, không tạo được niềm tin, tôn trọng và sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Bên cạnh đó, một số cán bộ, viên chức y tế sử dụng trang phục y tế không đúng với quy định như: mang áo blouse không cài khuy áo, mang trang phục xuất hiện không đúng lúc, đúng chỗ gây phản cảm với người dân.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng thừa nhận: “Hiện nay, kiểu thiết kế trang phục của cán bộ, viên chức y tế chưa có sự khác biệt rõ ràng. Tại một số bệnh viện, nhân viên hành chính, thu ngân cũng mặc blouse trắng”.
Vì vậy, theo ông Khuê, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ quyết liệt đổi mới toàn diện từ thái độ phục vụ đến trang phục... Dự kiến, áo của bác sỹ giữ nguyên mầu trắng với kiểu dáng áo blouse cổ bẻ, tay dài và tay ngắn, chiều dài áo không quá gối 10 cm, phía trước có 3 túi. Áo dược sỹ có 2 phương án là màu trắng cho dược sỹ đại học, sau đại học; màu xanh cho cán bộ dược khác. Áo với điều dưỡng hoặc màu trắng hoặc màu xanh dương. Áo blouse của kỹ thuật viên nam dự kiến có màu trắng hoặc xanh nhạt…
Góp ý về trang phục mới, bà Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định, trang phục thể hiện phong cách và thái độ nghiêm túc của nhân viên y tế, vì vậy bắt buộc phải đổi mới. Tuy nhiên, bà Bích Hường cũng đề nghị Bộ nên lấy ý kiến của nhân viên y tế, xã hội, đặc biệt người nhà, người bệnh vì họ mới là đối tượng chính.
Bên cạnh đó, Bộ cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và xã hội nhận diện được trang phục mới. Nó sẽ giúp bệnh viện nâng thương hiệu, phong cách và các nhân viên hiểu được lợi ích, tầm quan trọng của trang phục, từ đó thực hiện tốt quy chế trang phục, góp phần đổi mới phong cách.
Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: “Bệnh viện hiện đại phải có trang phục đẹp, nhận dạng được chức danh nghề nghiệp. Bệnh viện Bạch Mai hết sức ủng hộ việc thay đổi trang phục y tế. Đơn cử, một vẻ duyên dáng của điều dưỡng cũng góp phần làm giảm căng thẳng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”.
Phân định màu áo để thấy rõ chức năng, nhiệm vụ người mặc
Bệnh viện Lão khoa Trung ương là một trong số ít bệnh viện đã đổi mới trang phục cho cán bộ nhân viên y tế. Việc đổi mới này không những giúp cho y bác sĩ bệnh viện thoải mái hơn trong công tác điều trị và khám chữa bệnh cho bệnh nhân mà còn tạo ra phong cách chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với cơ sở mới, khang trang vừa được khánh thành.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trước đây, Bộ Y tế đã ban hành quy định về trang phục y tế nhưng đến nay nhiều điểm không còn phù hợp. Vì thế, nhiều bệnh viện đã tự thiết kế riêng trang phục cho y, bác sỹ của mình, dẫn đến tình trạng không thống nhất. Sắp tới, Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định về trang phục của bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, dược sỹ, nhân viên hành chính và sinh viên y khoa. Dự thảo thông tư này vừa được hoàn thành để xin ý kiến rộng rãi.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phân định màu áo của bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên hành chính để họ thấy rõ được chức năng và nhiệm vụ của mình. Quần áo chỉnh tề, gọn gàng giúp những người thầy thuốc cảm thấy tự tin trước bệnh nhân. Và bệnh nhân cũng tôn trọng và tin tưởng bác sĩ hơn. Chiếc áo blouse không làm nên vóc dáng của người thày thuốc mà vấn đề chính ở đây là phòng chống nhiễm khuẩn được tốt hơn và thể hiện nhân cách của người thày thuốc”.
Tại Hội nghị trực tuyến “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, việc cải cách, đổi mới toàn diện ngành y tế từ giá dịch vụ y tế, phong cách, thái độ, lề lối làm việc đến trang phục với mong muốn xã hội sẽ có cái nhìn khác hơn về ngành y.
Người đứng đầu ngành y từng tâm sự: Từ khi còn là nghiên cứu sinh ở nước ngoài, được chứng kiến phong cách làm việc chuyên nghiệp, trang phục gọn gàng, đồng bộ của y bác sĩ, cơ sở khang trang và hiện đại, bà mơ ước một ngày nào đó nó sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam. Và giờ đây, Bộ trưởng đang cố gắng thực hiện ước mơ đó. Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, trang phục của bác sĩ vẫn có màu trắng, kiểu dáng không thay đổi nhiều so với hiện nay. Còn trang phục của điều dưỡng có thể là màu xanh dương.
Chiếc áo blouse đã xuất hiện ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX. Và chiếc áo choàng trắng đi vào chiến trường trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến cam go, ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cả trong thời bình, dựng xây quê hương. Chiếc áo trắng cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành y tế trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Hình ảnh chiếc áo blouse trắng đã trở thành biểu tượng cho lòng nhân ái yêu người, cứu người của những người chiến sĩ áo trắng./.