Vì sao phải xin gia hạn trả nợ gốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông?
VOV.VN -Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), việc gia hạn nhằm tránh phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vốn vay lại theo hiệp định đã ký kết.
Nợ gốc đến kỳ phải trả
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay nước ngoài, gồm 1,2 tỷ NDT và 250 triệu USD, theo hai Hiệp định vay giữa hai Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc. Dự án sau khi hoàn thành được bàn giao cho UBND TP. Hà Nội tiếp nhận, quản lý khai thác, vận hành.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, sau khi hoàn thành sẽ được Bộ GTVT bàn giao cho UBND TP. Hà Nội tiếp nhận quản lý khai thác, vận hành. |
Theo cơ chế tài chính của dự án, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản phí liên quan trong giai đoạn xây dựng và cho tới khi hoàn thành. Bộ GTVT đã bố trí 400 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án để trả nợ gốc phần vốn vay lại trong giai đoạn xây dựng dự án.
Đến nay, dự án đã trả nợ gốc khoản vay lại của cả hai Hiệp định vay với tổng số tiền 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư chỉ còn lại là 1,957 tỷ đồng. Dự án sau khi được bàn giao, UBND TP. Hà Nội tiếp nhận nợ, trả nợ vay lại trực tiếp đối với phần vốn vay.
“Việc trả nợ gốc phần vốn vay nước ngoài được thực hiện theo kỳ hạn của hiệp định vay vốn. Do quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, chưa xác định được chính xác thời gian hoàn thành, đồng nghĩa với việc chưa xác định được thời điểm bàn giao dự án và nợ vay cho UBND TP. Hà Nội.
Vì vậy, việc đề xuất gia hạn thời hạn trả nợ gốc nhằm hạn chế các vướng mắc có thể xảy ra, tránh phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm 2020. Đây là vấn đề thủ tục của dự án trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ, không gây phát sinh chi phí dự án”, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết.
Bộ GTVT đã bố trí 400 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án để trả nợ gốc phần vốn vay lại trong giai đoạn xây dựng dự án. |
Cũng theo Ban Quản lý dự án, kỳ trả nợ gốc phần vốn vay gần nhất là ngày 21/1/2020. Nếu dự án không được gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn vay lại hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo Hiệp định vay, dự kiến dự án phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 152,709 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang trong giai đoạn cuối, chuẩn bị thực hiện vận hành thử toàn hệ thống liên tục trong 20 ngày để phục vụ đánh giá an toàn, nghiệm thu toàn bộ dự án.
Mới đây, ngày 21/1/2020, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 100 giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để nợ gốc Hiệp định vay 250 triệu USD của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT cho biết, sau khi Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước có ý kiến thẩm tra kế hoạch trên, thông báo chi tiết thì mới có thể tiến hành giải ngân.
Xin hoãn trả nợ là hoàn toàn cần thiết, vì dự án đến nay đã quá chậm
Trước đó, tháng 12/2019, Bộ GTVT có văn bản báo cáo, đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án giãn thời hạn trả nợ gốc phần vốn vay lại cho đến khi hoàn thành dự án và chuyển giao trách nhiệm nhận, trả nợ từ Bộ GTVT sang UBND TP. Hà Nội.
Cuối năm 2019, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng đã đi thị sát và yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc cùng Ban QLDA Đường sắt đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào khai thác. |
Theo Bộ GTVT, với tình hình khó khăn thực tế của dự án hiện nay, có thể phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại trong các kỳ trả nợ tiếp theo.
Để duy trì việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn, hạn chế các vướng mắc phát sinh, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án.
“Trường hợp không được Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ về thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các hiệp định vay đã ký”, báo cáo nêu rõ.
Trước Tết Nguyên đán 2020, các chuyên gia, kỹ sư Trung Quốc làm việc tại dự án về quê nghỉ tết, hiện chưa thể trở lại làm việc do việc đi lại bị hạn chế nhằm phòng chống bệnh dịch do virus corona gây ra đang xảy ra tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cả chcuj lần lỡ hẹn với người dân Thủ đô, chưa biết khi nào có thể vận hành được. |
Nguyên nhân được đưa ra là do tình hình dịch bệnh virus corona gây ra khiến nhiều chuyên gia, công nhân từ phía nhà thầu Trung Quốc không thể sang làm việc theo kế hoạch, dẫn tới việc dự án vốn đã chậm tiến độ nay lại càng chậm hơn vì chưa biết bao giờ tình hình dịch bệnh mới kết thúc.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bộ GTVT báo cáo, xin hoãn trả nợ này là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ của dự án là điều bất khả kháng. Khả năng việc xin hoãn trả nợ của Bộ GTVT tại dự án này được chấp thuận là tương đối cao.
"Thông thường thì bất kỳ hợp đồng nào cũng nêu ra những điều khoản về trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh làm ảnh hưởng tới kế hoạch thực hiện trong hợp đồng và việc vay vốn của Việt Nam để làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng không phải ngoại lệ. Việc xin hoãn trả nợ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phụ thuộc vào hợp đồng vay mà hai bên đã ký kết có quy định điều khoản trong trường hợp nào được hoãn trả nợ hay không", chuyên gia kinh tế Bùi Văn Hảo phân tích.
Ông Hảo phân tích, tình hình dịch bệnh do virus corona gây ra dẫn đến việc xây dựng vị trì trệ, nhất là những dự án có sự góp mặt của người Trung Quốc - nơi phát sinh dịch virus corona nên đây có thể là một trong những yếu tố chính làm tăng khả năng chấp thuận hoãn nợ từ phía Trung Quốc.
Theo vị chuyên gia kinh tế phân tích, cũng vì trường hợp bất khả kháng nên cơ quan chức năng Việt Nam cũng phải chịu sự giãn tiến độ từ nhà thầu phía Trung Quốc tại dự án Cát Linh - Hà Đông.
Dự án này vốn đã chậm tiến độ nhưng vì trường hợp bất khả kháng nên càng chậm trễ hơn so với kế hoạch đã đề ra trong năm 2019./.
Năm 2020 rồi, đường sắt Cát Linh - Hà Đông liệu có vận hành được?
Gần 300 công nhân vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông bỏ việc
Chuyên gia dự án Cát Linh - Hà Đông chưa thể quay lại Việt Nam vì dịch Corona