Vì sao vẫn còn 4% HSSV chưa tham gia BHYT?
VOV.VN - Học sinh sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng.
Mặc dù BHYT HSSV là chính sách bắt buộc nhưng vì sao vẫn còn khoảng 4% HSSV chưa tham gia BHYT? Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm học 2021-2022, chính sách BHYT đã bao phủ đến 96% HSSV cả nước với khoảng 18,8 triệu em tham gia, được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định, trong đó nếu không may ốm đau, bệnh tật các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.
Nhiều trường học, địa phương đã đạt mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Năm 2021, cả nước có hơn 2,4 triệu HSSV khám chữa bệnh BHYT với gần 4,8 triệu lượt khám chữa bệnh với số tiền được Quỹ BHYT chi trả là 1.981 tỷ đồng. 8 tháng năm 2022, cả nước có gần 2,2 triệu học sinh, sinh viên khám chữa bệnh BHYT với trên 3,9 triệu lượt khám chữa bệnh, số tiền được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả gần 1.770 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm học 2021-2022, vẫn còn khoảng 4% HSSV chưa tham gia BHYT (chủ yếu là nhóm HSSV từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề). Ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra một số nguyên nhân khiến một số bạn sinh viên chưa tham gia BHYT: “Có thời điểm các bạn sinh viên đi làm thêm hoặc có áp lực gì đó nên chểnh mảng việc tham gia BHYT. Liên quan đến đối tượng khó khăn, ngoài các đối tượng chính sách, hộ nghèo thì có những đối tượng tôi nghĩ là chúng ta cần phải quan tâm. Đối với trường chúng tôi cũng như một số trường khác có quỹ hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Chúng tôi cũng rất chia sẻ, lấy sinh viên là trung tâm quá trình đào tạo và chúng tôi mong muốn bên cạnh BHYT cũng như các công tác khác thì chúng tôi hỗ trợ một cách tối đa”.
Theo quy định của Luật BHYT, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Do đó, việc tham gia BHYT không những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm tuân thủ pháp luật, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của HSSV thông qua việc đóng góp, chia sẻ rủi ro với những người không may bị ốm đau, bệnh tật…, đặc biệt với những người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Cụ thể, Luật BHYT 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT. Nghị định 117/2020 NĐ-CP quy định, hành vi không đóng BHYT của đối tượng bắt buộc tham gia BHYT sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết: “Nhóm HSSV là nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT theo quy định của Luật. Theo tôi việc Chính phủ ban hành Nghị định số 117 hết sức cần thiết nhằm răn đe và đôn đốc đối với những cá nhân và tổ chức không thực hiện đúng các quy định của Luật BHYT”.
Khi không tham gia BHYT, HSSV sẽ bị thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT. Từ thực tế này, ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ HSSV từ phía nhà nước, cần kêu gọi hỗ trợ từ các nguồn khác: “Chúng tôi đề xuất thêm là đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, ngoài hỗ trợ từ ngân sách thì có thể chúng ta quan tâm thêm đến từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Rất nhiều trường có quỹ học bổng, nguồn hỗ trợ HSSV nghèo. Tuy nhiên, hỗ trợ HSSV nghèo đóng BHYT cũng là vấn đề chúng ta phải đặt ra, không chỉ hỗ trợ học bổng mà hỗ trợ trực tiếp đóng BHYT cũng là cái chúng ta cần quan tâm. Có thể xã hội hóa việc hỗ trợ cho HSSV đóng BHYT chứ không phải lúc nào cũng trông chờ từ ngân sách Nhà nước”
Để phủ kín bảo hiểm y tế đến 100% học sinh, sinh viên, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các bộ, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế theo hướng linh hoạt, chặt chẽ hơn. Cùng với đó là đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên từ 30% lên 50%. Cùng với đó, theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị các địa phương nên hỗ trợ 100% cho các HSSV có hoàn cảnh khó khăn: “Giải pháp căn cơ của chúng ta là phải tuyền truyền cho HSSV coi đây như là một trách nhiệm công dân và các cháu là HSSV thì phải cần hiểu rõ trách nhiệm xã hội của mình nữa những cũng là chăm lo sức khỏe cho mình, nếu không may mình ốm thì ai chăm sóc, điều này rất quan trọng. Tôi nghĩ các địa phương cũng phải tiết kiệm các nguồn chi, từ phúc lợi xã hội, từ tăng thu ngân sách cùng với nhà nước để chúng ta hỗ trợ HSSV tùy theo điều kiện của mỗi địa phương hỗ trợ bao nhiêu % để có gắng làm sao 100% HSSV phải tham gia BHYT”.
Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, HSSV tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Trước thềm năm học mới 2022-2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông làm rõ thông điệp: “Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thế hệ trẻ”. Công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV tiếp tục được triển khai quyết liệt với mục tiêu phấn đấu để tất cả HSSV tham gia BHYT và được thụ hưởng các quyền lợi và lợi ích chính đáng từ chính sách BHYT.