Vị tướng già trả nghĩa cho rừng
VOV.VN -Sau nhiều năm sống, gắn bó với mảnh đất Miền Đông gian lao mà anh dũng, 18 năm nay, một người lính Bộ đội cụ Hồ đã tự bỏ tiền túi đầu tư trồng rừng.
Có lẽ ít ai biết được, tại mảnh đất gần căn cứ Tà Thiết của tỉnh Bình Phước lại có 20ha đất được đầu tư trồng các loại cây rừng cho trái.
Đến với khu rừng này, mọi người như được quay trở lại kỷ niệm của một thời xưa cũ, khi gặp lại nhiều loại cây rừng quen thuộc như: Vú bò, cây trường, cây gùi, cây cơm nguội, cây ươi…
Những loài cây đã từng một thời gắn bó với tuổi thơ của nhiều người dân miền Đông Nam Bộ, mà nay đang dần biến mất tại những cánh rừng nguyên sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn |
Diện tích rừng này được ông Nguyễn Ngọc Ẩn, hay còn được gọi là ông "Tư biên giới", vốn là 1 vị tướng tình báo quốc phòng về hưu trồng gần 18 năm nay.
Theo chia sẻ của ông, sinh ra trên mảnh đất Miền Đông, sống, chiến đấu tại căn cứ Tà Thiết, vốn là căn cứ của Bộ Tư lệnh Miền nên ông đã quen với thiên nhiên, rừng xanh, cây lá.
Khi về hưu, cảm thấy không thích hợp với cuộc sống náo nhiệt, gấp gáp tại TP HCM, ông quyết định trở lại vùng đất cũ, bắt đầu một “cuộc chiến mới” –cuộc chiến trồng rừng trên mảnh đất gần căn cứ Tà Thiết.
Là người lính, đã từng ăn lộc của rừng, đi qua cuộc chiến cũng nhờ những cánh rừng che chở nên ông quyết tâm đeo đuổi đam mê của mình.
“Hồi đó là năm 1972, tôi nhập ngũ ở rừng này, cùng ăn, cùng ở với rừng. Vào tháng 3, trong rừng có trái cây, nhưng không phải trái cây nào cũng ăn được. Có trái cây chua, ăn vô xót ruột. Chỉ có cây chùm đuông mà quân giải phóng gọi là cây cơm nguội. Năm 2000 lên đây lại, thương nhớ về rừng. Ngày xưa sống nhờ rừng nên nhớ về thời đó đi vô rừng kiếm giống về ươm rồi trồng cho tới ngày nay”, ông Ngọc Ấn tâm sự.
Để có được cơ ngơi là những rừng trồng với đủ các loại trái rừng như hiện nay, ông Ngọc Ấn đã lặn lội khắp những cánh rừng dọc căn cứ Tà Thiết, tìm từng cây về chăm chút cho thích hợp với thổ nhưỡng, chăm sóc rồi tìm cách nhân giống.
Đến bây giờ, ông không nhớ nổi bản thân mình đã có bao nhiêu ngày ăn rừng, ngủ rẫy để tìm cây giống, rồi đưa về chăm sóc tại vườn cây của mình, bởi những loài cây rừng này rất khó trồng.
Với quyết tâm, niềm đam mê và cả tấm lòng đối với rừng, đến hôm nay, ông đã thành công.
“Cây rừng đưa về trồng mấy năm đầu chết hết. Ai cũng tưởng dễ trồng nhưng khó lắm. Giống cây rừng khó kiếm lắm, nhờ anh em người dân tộc đi kiếm nữa. Sau này nghề dạy nghề, biết rồi thì dễ trồng, cây không bị bệnh tật gì hết, không bón phân hóa học, có phân trâu phân bò gì là bón cho cây thôi”, ông Tư biên giới chia sẻ.
Trò chuyện với ông Tư Biên giới, nhiều người sẽ cảm nhận được tình yêu của ông đối với từng cành cây, ngọn cỏ nơi đây. Ông gọi mấy cây rừng bằng "đứa".
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn còn được biết đến là người có cá tính lập dị khi không cho ai ngắt cành, hái hoa của cây rừng. Ngay cả khi đến mùa trái chín, chỉ khi trái rụng xuống ông mới cho nhặt chứ không được hái trực tiếp vì ông sợ chúng bị đau.
Đó cũng là nguyên nhân mà ít người biết đến cánh rừng độc lạ này tại Bình Phước, bởi ông không muốn khu rừng này của ông được nhiều người đến thăm, rồi lỡ tay làm đau đến chúng.
“Đem được cái cây về trồng vui lắm. Nhiều bà già dọc đường tui ghé dọc quán phở ăn chơi nhìn thấy trái gùi quý lắm. Bả hỏi trái gùi đâu có. Tui trả lời con trồng bà ơi. Bà nói cho bả vô thăm rừng. Trái gùi ngày xưa nhiều lắm giờ hổng còn nữa. Hồi đó có bài hát Trái gùi Bến Cát do Minh Cảnh ca, trong đó có đoạn Mẹ đi chợ chớ ở lâu. Bận về mẹ nhớ mua xâu trái gùi. Con chờ xe lửa kéo còi. Ra ga đón mẹ lấy gùi ăn chơi”, ông Ngọc Ấn nói.
18 năm trồng rừng trên mảnh đất này, ông Tư biên giới đã thành công trong việc lưu giữ lại hàng chục loại trái rừng nay gần như đã biến mất trong những cánh rừng trên địa bàn tỉnh. Đó không chỉ để giữ lại ký ức cho những người sinh ra trước giải phóng, mà còn để cho những thế hệ con cháu đời sau cơ hội biết đến những loài cây, trái này.
Đây cũng chính là mong muốn lớn nhất của người lính Bộ đội cụ Hồ, cũng là cách vị tướng về hưu trả nợ, trả ân nghĩa cho rừng, về một thời “Rừng che bộ đội – Rừng vây quân thù”./.