Cần quan tâm hơn nữa đến những lao động bị mất việc, ngừng việc làm
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đề nghị việc triển khai hỗ trợ người lao động cần nhanh, cụ thể và thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Trong đó cần ưu tiên quan tâm đến lực lượng lao động, công nhân bị mất việc, ngừng việc làm.
Dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đẩy hàng triệu lao động vào tình cảnh mất việc, giãn việc, đời sống khó khăn. Sau một tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến thời điểm hiện tại, cả nước có hàng chục triệu người dân được thụ hưởng chính sách, hàng triệu người lao động được hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt. Đặc biệt vừa qua đã có hàng triệu lao động tự do được hưởng chính sách, thủ tục linh hoạt từ các địa phương.
Nhiều tỉnh, thành phố đã có cách làm sáng tạo, chủ động mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt là công tác triển khai chính sách của TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai rất đúng hướng.
"TP.HCM vừa qua đã triển khai xong gói hỗ trợ lần một có trị giá 886 tỷ đồng và đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Thành phố Hà Nội vừa bổ sung thêm chính sách đặc thù hỗ trợ 10 nhóm đối tượng trong ngày 14/8. Tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm tiền nhà trọ cho người lao động…" , Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Không chỉ có vậy, sự vào cuộc của toàn xã hội, các nhà hảo tâm với tinh thần "ai có gì hỗ trợ đó" đã góp phần hiệu quả hơn trong quá trình hỗ trợ người dân. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đánh giá các mô hình thực tế, hiệu quả và sáng tạo như: Cây gạo ATM, siêu thị 0 đồng… ở nhiều địa phương. Đặc biệt là mô hình "túi an sinh xã hội" là cách làm thiết thực, đảm bảo dân không bị thiếu, không bị đói. Qua đó giúp người dân yên tâm thực hiện Chỉ thị 16 "ai ở đâu, ở yên ở đó".
Lao động có hợp đồng bị ngừng việc vẫn chậm được tiếp cận các gói hỗ trợ
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắng cho rằng vẫn có tình trạng một số địa phương còn chưa quan tâm sâu sát đến vấn đề hỗ trợ người dân.
Bộ trưởng cho rằng đó là một nguyên nhân khiến việc hỗ trợ người dân, người lao động còn chậm; "tiếng kêu" của người dân, người lao động ở những địa phương không giãn cách lại nhiều hơn". Trong khi công tác hỗ trợ lao động tự do khá tốt nhưng vẫn còn một bộ phận người lao động có hợp đồng lao động bị ngừng việc vẫn còn chậm được tiếp cận, nhất là công nhân ở các khu nhà trọ hay người lao động di chuyển về các địa phương.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 86/NQ-CP thông qua nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả. Việc triển khai hỗ trợ cần nhanh, cụ thể và thiết thực, hiệu quả hơn. Trong đó cần ưu tiên quan tâm đến lực lượng lao động, công nhân bị mất việc, ngừng việc làm.
Theo số liệu từ Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), số lao động thất nghiệp đang gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động.
Số người thất nghiệp trong quý 2/2021 là 1,2 triệu người (2,62%), tăng so với quý I là 0,2% và 0,46% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 7/2021 với mức độ phức tạp của dịch bệnh, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%.
Số lượng hồ sơ đề nghị nhận BHTN tại các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, do dịch bệnh, việc giải quyết hồ sơ trực tiếp cho người lao động gặp nhiều trở ngại, hầu hết các Trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương đã và đang chuyển sang hình thức giải quyết hồ sơ trực tuyến, tăng thêm nhân lực để hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
"Đồng thời cần chăm lo tốt tới các đối tượng của ngành LĐ-TB-XH, như người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… một cách thực chất hơn và quản lý tốt cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội" - Bộ trưởng cho biết.
Để tránh lây nhiễm chéo, Bộ LĐ-TBXH đã có hướng dẫn trong thời gian giãn cách không tiếp nhận học viên cai nghiện vào cơ sở cai nghiện. Bởi thực tế cho thấy, hầu như các cai nghiện ma túy đang có nhiều F0, nếu đưa vào mà chưa thực hiện xét nghiệm có thể là nguồn lây vào trong các cơ sở này.
Trên cơ sở thành công bước đầu của mô hình "Túi an sinh" tại TPHCM, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM đẩy mạnh và thực hiện chủ trương "1 triệu túi an sinh". Đây là giải pháp giúp người dân an tâm ở trong nhà.
"Túi an sinh là sáng kiến rất quan trọng, qua đó giúp các gia đình có thể sử dụng trong một tuần. Các cấp, ngành cùng hỗ trợ TP.HCM…" , Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong ngày 16/8, Bộ sẽ trình Thủ tướng ký ban hành quyết định xuất cấp hỗ trợ gạo cho các địa phương trên toàn quốc gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhất là các tỉnh đang thực hiện giãn cách./.