Gần 3.600 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ từ quỹ BHTN với số tiền hơn 10 tỷ đồng
VOV.VN - Gói hỗ trợ tiếp tục khẳng định, quỹ BHTN được quản lý và sử dụng đảm bảo an toàn hiệu quả, minh bạch. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây nên, quỹ BHTN thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và người sử dụng lao động.
Theo số liệu thống kê tại 20/63 tỉnh, thành phố trong ngày đầu thực hiện, triển khai Nghị quyết 116, Quyết định 28 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tính đến cuối ngày hôm qua (1/10), đã có gần 3.600 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 10,3 tỷ đồng. Hơn 137.800 người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/21 đến 30/9/22) cho khoảng 4,4 triệu người lao động với tổng số tiền gần 3.470 tỷ đồng.
Ghi nhận ngay trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện gói hỗ trợ tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, người lao động, người sử dụng lao động trên cả nước đều vui mừng và đánh giá cao gói hỗ trợ mang tính nhân văn, chia sẻ, kịp thời lần này của Quốc hội và Chính phủ. Gói hỗ trợ này cũng tiếp tục khẳng định, quỹ BHTN được quản lý và sử dụng đảm bảo an toàn hiệu quả, minh bạch. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây nên, quỹ BHTN thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và người sử dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tham gia BHTN khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuỗi cung ứng lao động.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, việc giải ngân cho 12,8 triệu lao động và 386.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, sẽ cố gắng không để xảy ra sai sót hoặc doanh nghiệp, người lao động than phiền tạo dư luận không hay. Ông Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các địa phương tập trung mọi nguồn lực để chi trả nhanh nhất, theo kế hoạch đến cuối tháng 11 sẽ giải ngân xong. Trong quá trình chi trả, nếu gặp vướng mắc thì các địa phương cần liên hệ ngay với BHXH Việt Nam để có hướng giải quyết nhanh nhất.
“Chúng tôi cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan, kể cả các chính quyền địa phương và đã xây dựng một quy trình, thủ tục hết sức đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện. Sở dĩ được như vậy là nhờ có cơ sở nền tảng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu về định danh của người sử dụng lao động và người lao động đã có sẵn của BHXH Việt Nam chia sẻ. Ở đây cũng có sự ưu tiên, chúng tôi sẽ triển khai để người thụ hưởng tại các địa bàn khó khăn và các ngành nghề khó khăn trước, ví dụ như các tỉnh miền Nam, TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ưu tiên các địa phương triển khai ngay ngày đầu”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết thêm./.