Lương thấp, công nhân phải sống trong những nhà trọ giá rẻ, chật cứng
VOV.VN -Các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân, nhiều lao động phải thuê nhà trọ giá rẻ, chất lượng thấp, xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống lao động.
Anh Nguyễn Duy Mạnh (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) được gần 10 năm, để tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình, anh Mạnh chỉ dám thuê một căn phòng rộng hơn 10m2 ở cùng với 2 người bạn khác cùng quê. “Phòng cũng chật chội, nhưng phần lớn thời gian đi làm nên cố gắng khắc phục, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Tính cả điện nước chi phí cho phòng trọ này chỉ hơn 1,5 triệu đồng/tháng, chia ra mỗi người khoảng 500.000 đồng tiền nhà mỗi tháng. Để tiết kiệm tiền điện, mọi người không lắp điều hòa, chỉ dùng quạt thông thường, mùa hè có những ngày nóng quá, nửa đêm vẫn xách nước dội vào tường để hạ nhiệt”, anh Mạnh chia sẻ.
Không chỉ riêng anh Mạnh, mà theo phản ánh của nhiều lao động, khi thuê nhà trọ, điều quan tâm trước hết là giá rẻ, phù hợp với thu nhập thấp, nhiều người chấp nhận sống trong những khu nhà chật chội, ẩm thấp để tiết kiệm chi phí.
Theo Báo cáo của Viện công nhân và Công đoàn, hiện nay cả nước có 214 dự án nhà ở ở dành cho công nhân, lao động với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có khoảng 116 dự án với 41% diện tích đất được đầu tư đưa vào sử dụng. Về số lượng nhà ở cho công nhân, lao động đã hoàn thành là 2.580.000m2, mới đáp ứng được khoảng 330.000 công nhân, lao động đạt khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp so với chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ.
TS Nhạc Văn Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động nên hầu hết công nhân, lao động phải thuê trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp. Mô hình nhà trọ này rất đa dạng, tuy nhiên, do pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn nên chất lượng nhà ở thường không đảm bảo sự tiện nghi. Nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ khoảng 4-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hoặc hạ tầng kỹ thuật kém, dẫn đến không đảm bảo chất lượng cuộc sống của công nhân lao động.
“Trong thời gian từ 2-4 tháng bị phong tỏa giãn cách xã hội, hàng chục triệu công nhân, lao động phải sống cô lập trong những căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp do không được phép đi ra ngoài, hoặc nếu có đi làm thì khi quay về chỉ được ở trong nhà. Thường người lao động chỉ thuê những nhà trọ giá rẻ với tâm lý chỉ để về ngủ, thế nhưng trong mùa dịch, khi phải ở nhà cách ly, tại Bình Dương, Đồng Nai – nơi chúng tôi khảo sát, có phòng trọ 6m2 có đến 6 người ở, 8m2 8 người ở. Cuộc sống trong những căn phòng trọ đông cứng. Việc thiếu hụt điều kiện sống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người lao động”, TS Nhạc Văn linh cho biết.
Theo TS Nhạc Văn Linh, những bất cập trong nhà ở của công nhân hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự chưa phù hợp giữa mô hình ký túc xá cho thuê và bán dành cho công nhân trong khu công nghiệp, chính sách chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân lớn là nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội còn thiếu.
Nói về vấn đề nhà ở cho công nhân hiện nay, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, nhà ở là một trong những vấn đề đang hết sức bức xúc của công nhân lao động hiện nay, bởi hầu hết tại các khu công nghiệp lớn là lao động di cư. Quỹ nhà ở xã hội ít, các doanh nghiệp lại chưa có cơ chế xây nhà cho công nhân thuê hoặc mua, do đó đa phần người lao động phải đi thuê trọ trong dân.
“Cũng vì thu nhập thấp nên công nhân thường phải thuê những nơi giá rẻ, ẩm thấp, chật hẹp, thiếu ánh sáng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn cho công nhân. Từ thực tế này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động như đề xuất 1 gói đầu tư công trung hạn trong những năm tới để xây nhà cho công nhân cũng như sửa chữa một số quy định liên quan tạo cơ chế để có nhiều chủ thể xây nhà cho công nhân, giúp người lao động có nhà ở. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đang nỗ lực tháo gỡ những cơ chế để doanh nghiệp có thể xây nhà bán hoặc cho công nhân thuê, cũng như Tổng Liên đoàn được trở thành chủ thể được phép đầu tư xây nhà cho công nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đề xuất những chính sách tín dụng giúp cho người kinh doanh nhà ở hiện nay có thể sửa sang nhà đạt chuẩn để công nhân được ở trong những khu nhà trọ đảm bảo hơn”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Nhìn lại làn sóng di cư chưa từng có từ các khu công nghiệp phía Nam về các địa phương trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào năm 2021, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cuộc di dân này phản ánh nhiều bất cập trong đời sống công nhân hiện nay và đặt ra nhiều bài toán để cơ quan chức năng giải quyết. Trong đó trước hết là vấn đề về nhà ở cần đảm bảo, bên cạnh đó, khi doanh nghiệp đóng cửa, rất nhanh chóng, chỉ khoảng 1 tháng sau đó, người lao động đã hết thu nhập, đây cũng là vấn đề cần quan tâm đảm bảo cho người lao động có lương đủ sống.
Ở tầm nhìn xa hơn, theo ông Ngọ Duy Hiểu, chính sách thu hút đầu tư cũng cần xem xét để tránh việc các khu công nghiệp tập trung quá nhiều ở một số địa phương dẫn đến khi khủng hoảng hoặc gặp các sự cố về hạ tầng không đáp ứng được sẽ gây khó khăn cho người lao động. Do đó, cần hướng đến lương đủ sống và có các chính sách đầu tư hợp lý, chính sách nhà ở cho chông nhân./.