Việt Nam cần nắm bắt cơ hội dân số trẻ đông đảo

(VOV) - “Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất trong lịch sử”

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách ứng phó với xu hướng giảm sinh.

Tham dự hội thảo có Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Dương Quốc Trọng, bà Mandeep K. O’Brien – Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc. Ngoài ra còn có các chuyên gia quốc tế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapo và Thái Lan đến tham dự và chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu từ các quốc gia trong khu vực về chính sách ứng phó với xu hướng giảm sinh 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Quốc Trọng cho biết, công tác Dân số của Việt Nam được tiến hành từ năm 1961. Trong 50 năm qua, số con trung bình của người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 6,3 con (năm 1961) xuống còn 2 con (2010). Theo các nhà khoa học tính toán, chỉ tính riêng trong 20 năm qua, Việt Nam đã tránh sinh được 18 triệu trường hợp.

Ông Trọng phân tích, thành quả trên có ý nghĩa hết sức to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao mức bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên những thành quả đó lại tạo ra những khó khăn, thách thức mới. Do làm tốt công tác giảm sinh, nên tỷ lệ trẻ em sinh ra đã giảm rõ rệt sau 20 năm, đặc biệt là trong 10 năm qua.

"Số trẻ em trước đây trong thời kỳ tăng sinh đến nay đã bước vào độ tuổi lao động, vì vậy số người trong độ tuổi lao động trong giai đoạn hiện nay và khoảng trong 30 năm tới sẽ đạt giá trị cực đại. Như vậy, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Việc Việt Nam phải tận dụng cho được cơ cấu dân số vàng để cất cánh bay lên là một bài toán khó trong thời gian tới" ông Trọng nhấn mạnh.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, cũng do sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là chất lượng chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Nếu so với 50 năm trước, tuổi thọ người dân Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73 tuổi (năm 2010). Chính vì vậy, số lượng người cao tuổi đã đang và sẽ tăng lên một cách nhanh chóng trong thời gian tới và đó cũng tạo nên sức ép mới về cơ cấu dân số, già hóa dân số.

Đó là chưa kể, do sự tiến bộ của khoa học công nghệ, người dân đã ý thức được việc sinh ít con nhưng họ lại muốn trong đó phải có con trai, do đó tỷ số giới tính khi sinh chênh lệnh giữa bé trai và bé gái tăng lên nhanh chóng. Theo ông Trọng, điều đó đã trở thành vấn đề “nóng nhất” trong công tác dân số hiện nay của Việt Nam.

Ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ hiện nay mức sinh đã ở xung quanh mức 1,5-1,6 con. Trong khi đó, những tỉnh còn khó khăn ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ suất sinh còn rất cao, gần gấp đôi so với các tỉnh khác. Các chỉ số khác như chỉ số chết mẹ, chết trẻ vẫn còn ở mức cao. Như vậy có sự khác nhau rất rõ rệt về các chỉ số về y tế, dân số giữa các tỉnh, vùng miền.

Các chuyên gia đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa mức sinh và tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục có chất lượng. Khi mức sinh ngày càng giảm thì nhu cầu tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản toàn diện và có chất lượng ngày càng tăng.

Bà Mandeep K. O’Brien, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất trong lịch sử: nhóm dân số trẻ đông đảo; nhóm dân số cao tuổi đang tăng cao và mất cân bằng giới khi sinh. Chính vì vậy, Luật Dân số sắp tới cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Cần phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với sự chuyển đối nhân khẩu học này, đó là cách tiếp cận hướng tới sự phát triển bền vững và theo nguyên tắc tự nguyện và dựa trên quyền.

“UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng các chính sách dân số- một phần không thể thiếu của phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia và tuân thủ nguyên tắc của chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD PoA) và các Công ước quốc tế phù hợp khác mà Chính phủ Việt Nam là thành viên”, bà Mandeep K. O’Brien nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Săn rồng vàng” gây bùng nổ áp lực dân số
“Săn rồng vàng” gây bùng nổ áp lực dân số

(VOV) - Ở tỉnh Quảng Ngãi, số trẻ em chào đời năm nay tăng hơn 20% so với năm ngoái...

“Săn rồng vàng” gây bùng nổ áp lực dân số

“Săn rồng vàng” gây bùng nổ áp lực dân số

(VOV) - Ở tỉnh Quảng Ngãi, số trẻ em chào đời năm nay tăng hơn 20% so với năm ngoái...

Những câu chuyện buồn của công tác dân số
Những câu chuyện buồn của công tác dân số

(VOV) - Tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã bám rễ trong xã hội Việt Nam. Đây là thách thức trong công tác dân số hiện nay.  

Những câu chuyện buồn của công tác dân số

Những câu chuyện buồn của công tác dân số

(VOV) - Tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã bám rễ trong xã hội Việt Nam. Đây là thách thức trong công tác dân số hiện nay.  

Lễ kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam
Lễ kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam

(VOV) -Từ một nước có mức sinh rất cao, đến nay đã hạ xuống còn 1,99 con; tỷ lệ tăng dân số giảm còn 1,04%...

Lễ kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam

Lễ kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam

(VOV) -Từ một nước có mức sinh rất cao, đến nay đã hạ xuống còn 1,99 con; tỷ lệ tăng dân số giảm còn 1,04%...